Truyện ma - Quê ngoại

Chọn chế độ đọc: Sáng - Tối

Tác giả: ogaken9x

Hôm nay rảnh rỗi ngồi ở công ty nên viết chyện này ra cho anh em. Em nói trước đây là những chuyện mà xảy ra bên đằng ngoại nhà em, nghĩa là thuộc về nhà vợ em. Có chuyện vợ em chứng kiến, có chuyện vợ em và em nghe kể lại, cũng có cả chuyện em tận mắt thực hư. Em xin kể chi tiết từng chuyện mà em được biết.

Chuyện thứ nhất

Năm đấy bà nội vợ em ốm nặng, nghe kể lại bà phải đi cấp cứu ngay trong đêm từ HD lên Bạch Mai, Hà Nội. Bố vợ em lúc đấy đang làm lái xe ở trên thủy điện Sơn La, cũng bị gọi về gấp. Mọi người sợ bà không qua khỏi. Nhà ông bà nội vợ em có 5 người con, bác cả đã mất cách đấy vài năm, sau đó đến bố vợ em tên S, rồi tới cô V, cô N và cô T. Hai cô cũng đã chồng con đầy đủ,cô T đang học tại HN hiện tại bây giờ chỉ có nhà vợ em và bác nhà bác T là ngay sát bên nhà bà. Lúc bà đưa đi cấp cứu đến bệnh viện tỉnh, người ta cho chuyển viện luôn mà chẳng giải thích gì, chỉ đoán bà bị tim. Mà cũng lạ, ông em kể là, hôm đấy bà vẫn làm việc bình thường, cơm nước lợn gà xong bà bảo ông đợi bà ra sau nhà cấu ít rau sống ở gần ao về rồi ăn cơm luôn. Ông cũng ừ rồi đi tắm trước, lúc sau ông vào mâm đợi mãi mà bà chưa về, cứ nghĩ bà còn qua nhà em chơi với cháu nên kệ. Gần 6 rưỡi mà chưa thấy bà lên nhà, trời bắt đầu tối rồi, ông bực mình gọi bà thì không thấy thưa, lúc này ông mới lo chạy lên nhà vợ em kêu mẹ em cùng ông đi tìm bà. Hai người vòng ra sau nhà thì gặp bác V, bác V này là vợ của bác T đã mất, thấy hai ông con chạy ra sau mới hỏi chuyện. Ông hỏi có gặp bà không thì bác nói không thấy, vì bác làm vườn từ chiều mà. Vườn sau nhà ông em rộng lắm, ba nhà chia nhau ra làm đất trồng rau. Ông em còn có một chuồng gà ở đấy nữa, cái ao tù thì ở cuối vườn, đối diện với cái ao đấy là vườn của một nhà đã bỏ hoang nhiều năm. Ông quả quyết có nhìn thấy bà vào vườn nên giục bác và mẹ vợ em chạy vào tìm ngay, ai cũng hướng đến cái ao tù đầu tiên. Mẹ em kể lại lúc đấy nhìn ông sợ lắm, chưa bao giờ mẹ thấy ông mất bình tĩnh đến vậy, ông vợ em làm trong quân đội, cũng lên được đến hàm tá rồi mới về hưu, nói chung là rất minh mẫn dù đã gần 70 rồi. Lúc gần tới cái ao khuất sau đống rơm, tự nhiên mọi người thấy sợ lắm, mồ hôi tóa ra và lạnh khắp sống lưng. Ai cũng đi chậm lại, mắt mở căng ra, lúc tới gần ao không thấy bà đâu ông lo lắm, ông cố bình tĩnh dặn mẹ em và bác V đi xung quanh xem sao, ông đứng lại nhìn vào mặt nước xem có gì không. Cái ao cũng không phải ao to, ông bà em cũng chẳng nuôi cá, rong rêu rồi bèo gần kín hết mặt ao rồi. Ông bảo lúc đấy chỉ sợ bà lỡ chân mà ngã xuống thì tội. Bác V và mẹ vợ em đi hết gần cái ao rồi mà không thấy bà đâu, định quay về thì thấy sau gốc dừa ngay gần cuối ao có cái gì đó nhìn không rõ, hai người gọi ông rồi cùng đi tới, mẹ em lúc đó sợ lắm, người cứ run run, ông đi đầu tiên, tới gốc cây thì ba người thấy bà đang nằm đấy đầu tựa vào gốc cây, mắt mở to nhưng chỉ toàn lòng trắng, cả người bà co vào. Mẹ em hét thất thanh, cũng tí nữa thì ngất, bác V bình tĩnh hơn cùng ông vào xem bà thế nào. Mẹ kể lúc đấy mẹ nghĩ bà đã đi rồi, nhưng bác V xoa người bà bảo vẫn ấm lắm, bà chỉ ngất được lúc thôi. Ông cùng bác V dìu bà lên, lúc đó tay bà đang cầm một cái khăn mùi xoa cũ, chẳng ai để ý nhưng ông thì tái mặt đi, ông bảo 2 chị em dìu bà về, gọi cô V và cô N đưa bà đi cấp cứu ngay, còn ông thì đứng lại dưới gốc dừa, Gió lùa vào trên tàu dừa nghe xào xạc, vang đâu đây tiếng cười của trẻ con. Ông thở dài, đã 30 năm qua rồi. Lúc ông vào nhà, mọi người đang gọi xe đưa bà lên viện, ông dắt xe, bỏ cả cơm rồi nói đi có chút việc. Mọi người thấy ông mang theo cả nến và nhang, chẳng ai hỏi gì lúc đó chỉ lo cho bà thôi. [next]

Chuyện thứ 2

Bố vợ em năm đấy vẫn làm lái xe trên thủy điện Sơn La, hôm bà đi viện bố kể tối đó bố nóng ruột lắm, muốn điện về nhà nhưng hồi đó chưa có nhiều điện thoại di động như bây giờ, chỉ có mỗi gì L là có, vì gì làm kế toán cho tổng Sông Đà, bố định sáng mai qua mượn dì hoặc đi xuống thị trấn để gọi về nhà cho yên tâm. Thời gian đó trên Sơn La đang mùa mưa, tối đấy bố cùng các chú không phải làm đang ngồi uống nước thì bố thấy dì L qua, dì bảo cô T điện cho bố, cô T vẫn đang học đại học ở HN, cả nhà chiều cô nhất nên có mỗi cô có di động thôi. Bố nghe xong điện của cô T thì sốt ruột lắm rồi, cứ nhất định đòi về HN ngay. Các chú làm cùng can bố mãi, khoa cả xe bố vào không cho về. Các chú bảo bố cứ bình tĩnh sáng sớm mai các chú đưa ra bến xe rồi về, vì giờ trời vẫn còn mưa, lại tối, đi một mình nguy hiểm lắm. Bố cũng chịu nhưng sao vẫn thấy sốt ruột, điện lại cho cô T lần nữa rồi bố thu đồ đi nằm. Đêm đấy trời không mưa nhưng tối lắm, bố nằm mãi không ngủ được, soi đồng hồ thì đã hơn 11h rồi. Bố kể chẳng biết lúc đấy nghĩ gì nhưng bố nhất quyết là phải đi ngay chứ không đợi sáng mai nữa. Bố dậy rồi dắt xe ra ngoài, mang theo cái đèn pin, một bộ quần áo mưa và thêm thanh sắt ø20 dắt bên xe rồi cứ thế phi ra ngoài. Ngoài trời tối đen, bố em cứ thế mà đi thôi vì bố bảo lúc đấy chẳng còn sợ gì nữa rồi. Bố kể đêm tối như thế, đi xe trên đường một mình cũng sợ, người cứ toát hết mồ hôi ra mà đường xuống núi bố cũng chẳng nhớ rõ lắm, cứ men đường to mà đi thôi. Đi được một đoạn bố thấy bên đường có một đôi đang đứng, thấy bố đi qua họ vẫy vào nhưng bố em cứ vọt, cũng sợ nhỡ đâu rẽ vào mà gặp ổ cướp thì nguy. Bố đi một đoạn thì thấy xe 2 người đuổi theo sau, nghe rõ tiếng động cơ xe máy nhưng không có đèn chiếu lên, bố em chạy thêm một quãng thì nghe thấy tiếng gọi vọng lên kêu dừng lại, nhờ giúp đỡ. Bố đi chậm lại thì họ đuổi lên sau, người lái xe mặc chiếc áo sơ mi trắng, sau đó là vợ anh ta cũng áo trắng nhưng tối quá bố không nhìn rõ mặt, chỉ thấy có áo nên là nghĩ có người ngồi sau thôi. Người lái xe nói họ là dân ở đây, chiều tối mang hàng buôn lên trên công trường đổ nhưng lúc về xe lại dở chứng hỏng đèn không sao về được, thấy bố đi từ trên xuông nên nhờ đi sau một quãng đến gần nhà. Bố nói đang có việc gấp cần về HN, mà không nhớ đường xuống lắm người ấy bảo đi sau rồi chỉ đường cho. Bố đồng ý rồi đi, cứ thế đi trước xe người ta, cứ đến chỗ cần rẽ thì rẽ theo. Bố nhớ lại lúc đó cũng yên tâm vì dù sao thấy người ta cũng lương thiện, chỉ thấy lạ là đi suốt quãng đường dài mà không thấy người ngồi sau nói câu nào, nghĩ do mệt ngủ rồi nên bố chẳng hỏi nữa. Xe bố đi nhanh nhưng người kia cũng theo sát sau đó, nhiều khi tiếng gió át hết cả tiếng xe họ, bố nghĩ không theo kịp nhìn vào gương hậu thì lại thấy lấp ló bóng áo trắng đằng sau. Rồi theo sự chỉ dẫn của họ bố em cũng tới được thành phố. Lúc gần tới nơi bố định rủ họ vào quán nước ven đường nghỉ thì thấy họ đã rẽ sang đường khác cũng chẳng nói cám ơn gì, bố cũng kệ vì nghĩ nhà họ gần đấy rồi. Ngồi quán nước ăn bát mì tôm, hút điếu thuốc bố hỏi bà lão bán nước về HN đường này đúng chưa. Bà lão nói đúng đường rồi, hai người ngồi nói chuyện, bà ấy hỏi bố sao về muộn vậy, bố kể chuyện bà ốm ra, bà ấy khuyên ở lại sáng mai đi nhưng bố em không chịu. Bà lão ấy tốt lắm, cứ khuyên bố ở lại, vì bà sợ đêm tối rồi gần đây bọn nghiện hút cũng đông sợ không an toàn. Chuyện qua lại bà ấy biết bố từ chỗ thủy điện xuống, bố cũng hỏi sao bà vẫn bán nước vào giờ này thì bà mới kể chuyện nhà bà. Hóa ra bà sống với đứa con trai nhưng con bà mất cũng 3 năm rồi, giờ bà phải nuôi cháu nội một mình. Năm ấy con bà cùng cô con dâu mang đồ lên trên công trường đổ buôn tối về xe hỏng đèn, lại không có quán sửa xe, hai vợ chồng đánh liều cứ thế về, tới khúc cua xe con bà bị xe tải chạy đêm tạt vào vách núi, hai vợ chồng chết tại chỗ. Hôm đó bà cũng ngồi đợi con bà về như thế này, bà kể chiều nay vừa làm giỗ cho 2 đứa nó xong. Bố em trả tiền nước rồi đứng lên đi. 8h sáng bố em về đến HN, bố bảo từ lúc ở quán nước bà lão đi, bố cứ đi miết không nghỉ, chi dừng đổ xăng một lúc, đường không có ai nhưng thỉnh thoảng trước đèn lại có một cái bóng trắng. Sau này mỗi lần qua đó bố em lại vào nghỉ và cám ơn bà. Cám ơn cả con trai bà nữa.
Em không biết căn chỉnh gì đâu nên là cứ post các phần ở đây nhé, cũng nói trước là em không giỏi hành văn lắm đâu. [next]

Chuyện thứ 3

Bà em lên đến viện thì được đưa vào khoa cấp cứu ngay. Đi lên cùng xe của bà có cô N bác V và chú Đ là chồng cô N. Sáng sớm hôm sau thì cô T đón cô V đi xe khách lên cũng vào, bố vợ em về đến bệnh viện thấy các cô cứ đứng ngoài khóc thì lo lắm. Hỏi bác sĩ thì họ bảo bà đang hôn mê vẫn chưa tỉnh. Mọi người ở quê thì tất cả các bệnh kiểu dạng này đều quy hết vào một bệnh đó là trúng gió chứ không ai nghĩ đến tim mạch hay vấn đề thần kinh gì. Bà nằm ở đấy một ngày, vẫn hôn mê bác sĩ chỉ cho duy nhất một người vào ngồi trong cùng bà ở phòng hồi sức. Cô V là người được mọi người cử vào với bà. Sau đó một hôm thì ông cũng lên, ông gọi cô V ra đưa cho cô một gói nhỏ, dặn cô khi nào vào với bà thì hòa với nước cho bà uống. Cô hỏi là cái gì thì ông không nói chỉ gắt: “Mày muốn mẹ mày sống thì cứ làm đi, cấm cãi”. Cô V sợ cũng sợ nên nghe lời ông. Ông chỉ lên buổi sáng rồi về ngay, ông bảo còn mấy việc nữa phải làm không đến lúc bà về nhà cửa rối lên bà lại mắng ông. Mọi người cũng yên tâm, phần nào mặc dù bà vẫn thế. Đêm ấy cô V ở với bà, cô kể cái túi ông đưa cho cô bắt cô pha cho bà uống màu đen đen, cô không biết là gì nhưng cũng làm theo ông dặn. Sau này ông mới nói đó là chân hương của bát hương cô H ở nhà (cô H là chị cô N nhưng mất sớm, ông bà thương cô nên vẫn để bát hương). Tối đó lúc bệnh viện tắt đèn, cô lén lấy nước pha cái thứ ông đưa rồi cứ dốc miệng bà đổ vào, lúc sau cô đi ngủ ở giường bên cạnh.Nửa đêm ấy bà co giật mạnh, cô V sợ quá, gọi bác sĩ cùng mọi người đến.Lúc này chỉ có bố v em và chú Đ ở ngoài còn các bác V thì về phòng trọ cô T nghỉ, cô N đã về quê cùng ông. Cô V bảo bà co giật mạnh, miệng sùi bọt mép ra, hai mắt trắng dã như người lên cơn động kinh. Bác sĩ tới đẩy cô V ra thì hai tay bà lúc đấy bấu chặt lấy hai tay cô rồi, không thể dứt ra được. Bác sĩ nói bà bị sốc thuốc, hỏi cô V xem có cho bà uống gì không, cô giấu nói không. Bà co giật được lúc thì nôn ra sàn nhà, mặc dù bà bất tỉnh một ngày một đêm nhưng theo lời cô V kể, lúc bà nôn ra sàn có cái gì đen đen, nhớp nháp giống như thức ăn chưa tiêu hóa hết vậy, mặc dù từ lúc đưa bà đi đến giờ bà vẫn chưa ăn gì. Đến giờ cô vẫn chưa quên được cảm giác lúc đó, mùi tanh nồng của thứ bà nôn khiến cô không chịu nổi muốn chạy ngay ra ngoài nhưng tay bà giữ chặt quá, cô không sao dứt ra được. Bác sĩ cũng có người không chịu nổi phải quay đi. Bà nôn được một lúc thì lịm đi. Tay bà đã buông tay cô ra, các bác sĩ kiêng bà lên cán để đưa qua phòng cấp cứu. Lúc khênh bà lên cô thấy cái khăn mùi xoa bà vẫn đang giữ chặt. Đặt bà lên cán bỗng bà lại ôm chặt lấy hai tay cô. Lần này bà ngồi bật dậy, nhìn thằng vào mắt cô nói:
- Mẹ xin con H ơi, bà xin cháu P ơi.
Cô V ngã ngửa ra, cô nói lúc đó như kiểu bà đang nói chuyện với ai đó chứ không phải cô vậy. Rồi người ta đưa bà đi. Cô V ở lại dọn chỗ bà nôn ra. Bây giờ nghĩ lại cô vẫn rùng mình. Vì cái mùi đó, chưa bao giờ cô gặp lại nữa. Nó như đến từ một cõi khác vậy.
Bà tỉnh lại ngay sáng hôm đấy và được ra viện ngay ngày hôm sau. Hình như bác sĩ không muốn cho bà ở lại thêm, chỉ kết luận bà bị một bệnh gì đó liên quan đến thần kinh, cho thuốc, dặn dò chút rồi thôi. Bà được đưa về nhà luôn, cô V lại được cắt ra ở cùng trông nom bà. Bà cứ nằm ở giường một thời gian, ăn ít mà cũng chẳng nói gì. Khi bà đã tự đi lại được việc đầu tiên là bà nói ông mang cho bà chiếc hộp bà để sau bát hương cô H xuống cho bà. Hình như ông cũng biết gì đó, khẽ thở dài mang ra. Cô V kể lúc bà mở nắp hộp ra cô thấy bên trong không có gì nhưng bà khóc to lắm, rồi bà đặt chiếc khăn tay lâu nay vẫn cầm vào đó. Từ lúc bà ốm bố vợ em cũng ở nhà, tối đó bà gọi vợ chồng cô N, bố mẹ vợ em và bác V xuống nhà. Bà kể hôm bà ra vườn hái rau, bà thấy có hai đứa bé nào đó cứ đứng ở gốc dừa nhà mình chơi. Bà nhủ tối rồi sao trẻ con vẫn chơi ở đây, hay nó hái trộm dừa. Nhưng bà lạ lắm, lối sang vườn này chỉ có thể đi qua sân nhà, chẳng nhẽ chúng nó vào mà mình không biết hay là đi qua vườn bên kia sang. Nhưng cũng không đúng, nếu qua vườn đó thì chúng nó làm sao lách qua được cái hàng rào mây cao quá đầu người lớn kia. Hay là thằng D và cái M trốn mẹ ra nghịch gì. (D là con bác V, còn M là vợ em). Nghĩ rồi bà bước tới định gọi hai đứa thì lại không thấy chúng đâu. Bà em năm mới 65 nhưng mắt vẫn tinh lắm, bà nói không nhầm được. Bà đến gốc dừa nhìn một lúc không thấy đứa nào, cất tiếng gọi - M ơi, D ơi, có phải 2 đứa trốn bà không?
Vẫn không thấy ai thưa, bà nghĩ chắc nhìn nhầm rồi thì lại nghe có tiếng trẻ con cười đâu đây, bà đưa mắt xung quanh vẫn không thấy gì. Rõ ràng có tiếng một nam một nữ cười mà. Bà nhìn lên trên khẽ rùng mình nhưng cũng chẳng thấy gì, bất chợt bà nhìn xuống dưới ao. Sau cái làn nước đấy có bóng hai đứa trẻ con đang nhìn bà mà cười. Một đứa con gái nhìn giống bà hồi bé thế, nó mặc áo nâu, cầm khăn mùi xoa trắng vẫy vẫy bà. Bà như chết lặng. Nó là con H, đứa con xấu số của vợ chồng bà đã mất cách đây 30 năm. Bên cạnh nó là ai, 1 thằng bé con tầm 6, 7 tuổi, mặc áo vàng, quần đùi xanh, tay ôm quả bóng đỏ.
- Mẹ ơi con L nó bắt con
- Bà ơi con L nó bắt cháu
Bà nghe tiếng hai đứa như văng vẳng bên tai mình. Tai bà ù đi rồi bà nghe tiếng ông đang gọi, bà ú ớ không nói được gì, chỉ thấy mắt mũi tối sầm lại, có cái gì đó từ bên ngoài đang chui vào trong bà, bà chóng mặt, hoa mắt rồi ngất đi không còn biết gì nữa. Bà khẳng định chỉ mới gặp hai đứa khi 1 chút nhưng ông em, bác V và mẹ thì đều hay, bà đã đứng ở đó lâu lắm rồi.
Cô N nghe bà kể đến đây khóc ré lên. Ai cũng rùng mình, thằng P con trai đầu của cô N mất cách đây mấy năm. Nó chết đuối, lúc nhặt quả bóng ở cái ao sau nhà. Lúc chết nó mặc áo vàng, quần xanh. Ông chẳng nói gì, khẽ thở dài hút thuốc. Ngoài kia gió lùa vào từng tán lá dừa nghe xào xạc. [next]

Chuyện cô H, cô L

Để em nói qua cho các thím biết, quê vợ em là một xã thuộc cuối tỉnh Hải Dương. Không biết có ai biết chỗ này không nhưng ở đây con gà cất tiếng gáy 3 tỉnh đều nghe rõ. Nơi đây giáp với Hưng Yên và bên kia sông đó là Thái Bình. Thời ông bà em đó là tỉnh Hải Hưng thì phải. Chuyện em kể dưới đây là chuyện về người em đã nhắc đến ở chuyện thứ 3. Dù đã mất nhưng theo vai vế em cứ gọi là cô. Đó là cô H con gái thứ 2 của ông bà và người bạn của cô, cô L.
Ngày đó ông bà mới có bác cả T, bố vợ em và cô V. Bà làm coi trẻ ở nhà trẻ, ông thì tham gia hoạt động của xã. Thời đấy cả nước đều khổ ông bà cũng đói lắm. Ngoài việc xã ra ban đêm ông còn phải ra sông đánh cá vì nhà cũng gần ngay sông mà. Khi bà đẻ cô H ra thì có một chuyện rất trùng hợp đó là nhà hàng xóm ngay sát bên cũng sinh ra một người con gái. Tên cô ấy là L. H và L sống lên cùng với nhau, lại còn ngay sát nhà nhau nên thân lắm. Khi cô H và L đến tuổi đi học thì cứ sáng bà em lại quang gánh mỗi đứa một bên đến lớp. Lúc về bà lại đưa về. Hai người cứ như chị em, nhiều khi cô H sang nhà kia ăn cơm rồi ở lại luôn và ngược lại. Đến tuổi hai người tự chơi với nhau được rồi bà cứ kệ 2 đứa trẻ chơi với nhau thôi, người lớn còn lo làm lấy ai ra mà trông nom được. Nói qua và gia cảnh nhà cô L. Ngày xưa ông bà nội nhà cô L là địa chủ ở đây. Cách mạng ruộng đất đến ông cô ấy bị đem ra xử tử, bố cô ấy là con bà hai nên thoát tội nhưng bao nhiêu đất cát cũng mất hết, chẳng còn lại gì. Người ta còn đến đào bới lục tung nhà lên xong mới cho qua. Bây giờ bố mẹ cô H cũng chỉ làm ruộng kiếm ăn thôi, nhưng người ta vẫn nói ra nói vào suốt. Ông bà em thì đối với họ bình thường, coi như hàng xóm láng giềng, hai bên chưa xảy ra lời qua tiếng lại gì. Ông còn để cho họ làm một lối thông từ vườn nhà họ sang bên nhà ông, cũng tiện cho con H và L qua chơi với nhau. Đến khi cả cô H và L đến tuổi đi học hai người càng dính với nhau nhiều hơn. Cứ sáng đi học rồi chiều về lại cùng chơi với nhau khi thì bên vườn nhà ông, khi thì bên vườn nhà cô L. (Thôi em gọi tắt là H với L thôi nhé). L có một cái khăn mùi xoa rất đẹp. Thời đấy không phải ai cũng có đồ như vậy đâu, nhất là một đứa con gái tầm 7 -8 tuổi mà có thì lại càng làm cho nhiều đứa khác phải ghen tị. H thấy bạn có cũng về nhà nhất định bắt ông bà phải mua cho một cái bằng được cho giống bạn. Về phần L thì cái gì cũng sẵn sàng chia cho H nhưng riêng chiếc khăn này L không cho H chạm vào, nhìn thì được nhưng chạm vào thì không chứ chưa nói đến dùng chung. Càng thế H càng đòi bố mẹ, bà em lại thương cô nên cố dỗ dành nói khi nào mẹ có tiền mẹ sẽ mua cho như vậy H mới để yên. Tuy vậy nhưng mỗi lần thấy L mang khăn đến lớp về nhà H đều dỗi bố mẹ, có khi bỏ cả ăn. Ông bà cũng kệ vì trẻ con mà, lâu lâu cũng quên đi thôi. Đợt đấy vào mùa gặp, trẻ con thì nghỉ học để người lớn ra đồng làm hết, bà cũng phải ra đồng còn kiếm công đổi gạo. Bác cả T cũng đến tuổi làm được nửa công rồi nên ở nhà chỉ còn bố vợ em, cô V và cô H. Bố em ham chơi nên nhiệm vụ trông em, cơm nước đẩy hết cho cô V làm. Khi cô V nấu cơm thì H chơi cùng L, hai đứa cứ chạy hết nhà này đến nhà kia chơi. Tối đấy ông bà thấy H về ăn cơm mà hai mắt đỏ hoe, nghĩ trẻ con chơi với nhau giận dỗi là thường, lại thêm việc đồng mệt nên để chị trông em mà đi ngủ sớm chứ chẳng hỏi gì. Hôm sau ông bà đang làm đồng thì gặp bố mẹ L. Mẹ L hỏi vui bà;
- Con L nhà tôi qua ngủ bên đấy có khóc nhè hay đái dầm gì không chị?
Bà giật mình trả lời
- Không, hôm qua con L nó có qua nhà tôi ngủ đâu?
Mẹ L nghe bà nói vậy bỗng giật mình nói “ Chết, qua nó không về, tôi tường nó ăn rồi ngủ luôn bên đấy”
Hai người lo lắng nhìn nhau rồi bỏ cả việc đồng về. Việc đầu tiên là chạy về nhà hỏi ngay cô H xem L đâu. H kể hôm qua hai đứa đang chơi với nhau, H muốn L cho H mượn chiếc khăn tay nhưng L không chịu. H dỗi bỏ về nhà. Đến chiều sang tìm L thì không thấy L đâu, chỉ thấy cái khăn tay này ở góc vườn, nghĩ là L đánh rơi H mang sang nhà cho nhưng cũng chẳng thấy. Tìm bạn tới chiều tối chẳng thấy đâu nên về nhà. Mẹ L nghe vậy chết điếng người, nghĩ con có chuyện gì rồi gào khóc chạy ra sau vườn tìm con. Bà sai bố vợ em chạy ra gọi ông về rồi cũng lao ra sau để tìm L. Bà kể hôm đấy khi mọi người kéo nhau ra vườn sau tìm L nhưng không thấy đâu thì lo lắm. Mẹ L khóc ngất đi mấy lần rồi. Đám đàn ông có người còn ra hẳn bờ sông ngoài làng để tìm nhưng hỏi ai cũng không thấy hôm qua có đứa bé nào qua đó. Mọi người chú ý đến cái ao sau nhà ông bà, 5-6 người nhảy xuống mò khắp ao nhưng cũng không thấy gì. Đúng lúc tìm kiêm thì bà lão ngoại L biết chuyện sang, bà nói chắc con L bị ma giấu đi đâu rồi. Rồi bà bảo đưa cho bà quần áo hay cái gì của con bé đây. H lúc này đứng ở đấy đưa cho bà cái khăn tay của L. Bà cầm cái khăn vất xuống ao, rồi bảo mẹ L mang cái liềm ra, vừa gõ vừa gọi tên con. Gõ được lúc thì mọi người thấy cái gì đó nổi lên sau cái khăn mùi xoa. Hai ba người nhảy xuống mò, trong đó có cả ông. Ông kể lại, dưới chiếc khăn đó là mặt con L, chiếc khăn phủ ngay trên mặt nó, ông bỏ chiếc khăn ra thì thấy một cặp mắt mở to trừng trừng như đang nhìn vào ông, miệng nó méo xệch. Khuôn mặt như đang lo sợ một nỗi sợ hãi gì đó rất kinh khủng. Lúc đưa L lên bờ phải vất vả lắm mấy người mới kéo nó lên được. Ông kể như có một bàn tay nào đó giữ chặt nó lại, không muốn thả ra. Mẹ nó ôm lấy nó khóc thì bỗng nhiên máu từ hai mắt, hai tai và miệng trào ra. Người ta nói trẻ con chết đuối mà bố mẹ vớt lên được thì đứa nào cũng trào máu ra, cũng có thể là do nó chêt oan nên vậy. Ai cũng thương con L. Cô H nhà em thấy bạn chết vậy khóc òa lên mấy hôm sau bỏ cơm, phát bệnh ốm mất mấy tuần mới khỏi. Cái khăn của L, cô H xin giữ lại làm kỉ niệm.
Cho đến hai năm sau. Chuyện con L chết đuối bây giờ chỉ được mang ra dọa trẻ con vào mỗi khi người lớn đi làm đồng. H mất đi bạn chơi cùng giờ cứ lủi thủi ở nhà khi thì chơi với chị, khi thì chơi một mình. Lúc này bà có thêm cô N rồi, ông thì chuẩn bị đi động viên. Bà kể lại, lúc đó cứ chiều tối con H lại bỏ ra sau vườn chơi tối về có hôm còn bỏ cơm. Mẹ có hỏi thì nó nói đã ăn no rồi không muốn ăn gì thêm nữa. Nghĩ con ăn củ khoai củ sắn nên bà cũng chẳng ép, nhà đông miệng ăn, có đứa không ăn thì đứa khác lại được thêm ít. Cứ như vậy một tuần thì bà đâm lo, gặng hỏi mãi nó mới kể. Có người cứ chiều chiều lại vào vườn nhà mình nói là đi bắt rắn, rồi người ấy cho con cái bánh, bảo ăn đi đừng nói cho ai biết. Ăn nhiều thành quen nên chiều nào cô H cũng ra đó gặp người ta. Mà người này lúc nào cũng như đợi cô H đến vậy cô cứ tới là đã có sẵn bánh cho cô H ăn rồi. Bà hỏi cô xem người đó ra sao, tướng mạo thế nào có phải người làng không thì cô nói không rõ. Vì cô kể người đó thường đứng dưới ao rồi đưa tay lên đưa bánh cho cô chứ cô không rõ mặt. Cô còn kể người ấy ngày nào cũng đi quanh ao nhà cô,có khi từ bờ bên này sang bên kia, cô chỉ biết người ấy chắc cao lắm thì đi như vậy mà nước chỉ tới lưng người thôi. Bà chết điếng người, cái ao đấy lúc con L chết đuối ông nhảy xuống mò cũng đã tới cằm rồi, ra giữa ao cũng ngập đầu chứ chẳng ít. Bà kể cho ông hay, ông cũng lặng người. Hôm con L chết đuối ở đây bà đã thấy ông lạ lạ rồi thêm chuyện lần này nữa bà đoán chắc ông biết có gì đang xảy ra. Cố hỏi nhưng ông chẳng nói. Hôm sau ông nghỉ ở nhà trông cô H, đến cuối chiều cô H lén ra vườn sau thì ông mò theo sau. Lúc cô H tới cuối vườn đang đưa tay đón cái gì đó cho vào miệng thì ông chạy tới quát lên:
- H quay lại đây.
Con H giật mình quay lại nhìn bố, rồi quay lại nhìn người kia, nó hét lên thất thanh. Đập vào mắt nó và bố là một gương mặt nhợt nhạt, xanh lè như người chết trôi, đôi mắt đỏ lòm, cái miệng thì ngoác tận mang tai. Tiếng cười the thé kêu lên. Ông chạy đến ôm lấy cô H thì bóng đen kia biến mất, chỉ còn lại tiếng cười the thé, ông nghe thấy nó nói như hét bên tai ông:
- Thằng kia, tao về rồi đây, tao về rồi đây
Cô H ngất ngay sau đó, ông đưa cô về nhà vất cô ra sân rồi sai bà lấy tàn tro ở bát hương thờ ông bà hòa nước đồ vào miệng cô. Được vài ngụm thì cô H nôn ra. Cái thứ kinh dị ấy chắc ai nhìn vào cũng phải rùng mình. Nó là hỗn hợp của bèo bồng dưới ao, rồi trong đó có thêm cả cái đùi ếch nữa. Bà khóc to ôm cô mà lắc. Cô càng nôn, mùi hôi tanh càng bốc lên rợn người. Ông tím mặt bỏ ra ngoài, tối về ông mang cho bà một đơn thuốc bảo sắc cho cô H uống. Nhưng rồi những cái độc của cóc, của ếch hay sâu bọ mà cô đã ăn phải nó làm cô xanh xao. Cô mất sau đó mấy ngày. Bà nói với mọi người cô bị tả. Ông bà chôn cô ngay cạnh bên cô L. Trước khi ông đi, ông gọi tới một người bạn, hai người làm gì đó rất lâu sau nhà. Ông dặn bà cấm đứa nào ra sau nhà quá khuya, có đi đâu cũng phải có người đi cùng. Ông dặn bà để cái khăn con L dưới bát hương con H. Rồi ông lên đường. Ngày ông đi, trời mưa to lắm. Trong tiếng mưa ông lại thấy tiếng cười the thé “ Tao về rồi đây, tao về rồi đây..” [next]

Chuyện thứ 5

Vào nạn đói năm 1945 không hiểu ăn mày ở đâu kéo về bến sông đông thế. Họ tập trung thành từng đám sống với nhau. Sáng họ ùa vào làng ăn xin. Nhưng mà đói thì ở đâu cũng đói, người ta ăn chẳng no thì lấy đâu ra của mà cho. Không xin được thì họ quay ngược ra sông kiếm con tôm con tép, mấy người này cứ đi dọc bờ sông rồi kiếm được cái gì ăn được thì họ ăn cái đó. Nhưng không phải ngày nào cũng có cái để ăn. Rồi thì họ đánh liều vào cả trong làng ăn trộm, mò vào vườn nhà người ta ăn trộm buồng chuối quả cam. Có khi họ lẻn ra cả ngoài đồng để đào trộm khoai. Làng biết vậy thì tức lắm, làng lập nên một đội tự quản, cho phép cầm gậy đi tuần quanh làng. Thấy ăn mày nhẹ thì đuổi, nặng thì đánh cho một trận rồi tống ra khỏi làng. Năm đó ông em đang thanh niên. Ông cũng được làng gọi đi làm nhiệm vụ này. Thế là cứ sáng sớm, hay ban trưa, lúc tối ông lại cùng vài người nữa vác gậy đi xung quanh làng. Tính ông em thì hiền, làng bắt đi thì cứ đi thôi, cầm gậy nhưng ông chưa đánh một ai cả. Thấy ăn mày thì ông cũng chỉ nói cho họ đi thôi, cũng chẳng mắng nhiếc gì người ta cả. Rồi cái nạn ăn trộm trong làng cũng ít đi rõ rệt, đám ăn mày không kiếm ăn được gì cũng tản đi gần hết sang các làng lân cận. Chỉ còn một vài người vẫn lưu luyến cái bến sông này nên vẫn ở lại. Tuy nhiên làng cấm không cho phép họ được đặt chân vào trong làng. Đội tự quản của ông vẫn hoạt động nhưng việc thì nhàn rỗi hơn nhiều. Vào mùa mưa năm đấy nước sông lên cao, mấy người ăn mày kia không còn ở bến sông nữa. Họ di tản đi nơi khác gần hết, duy chỉ có hai bố con nhà này nhất quyết không đi ngược lại còn đánh liều xin làng cho vào làng ở tạm qua mùa nước. Ông bố nói thằng con ông ấy đang bị ốm, nếu giờ đi cũng chết, ở lại cũng chẳng xong thôi thì làng làm phước cho bố con ông ấy ở lại. Làng cho hai bố con nhà này ở tạm cái điếm canh đê, đồ ăn thì bắt họ tự kiếm lấy nhưng có ráo trước là ăn trộm đồ của làng thì làng đánh chết. Bố con nhà kia mừng lắm.
Từ đó họ sống ở cái điếm, buổi sáng ông bố vào làng xin làm công, cũng có ngày kiếm được chút đồ ăn, cũng có hôm thì nhịn đói về. Thằng con tuyệt nhiên không bao giờ thấy ló mặt ra ngoài. Nó cứ ru rú ở trong cái điếm đấy như sợ khi nó ra thì người ta sẽ không cho nó quay lại nữa. Thỉnh thoảng ông cùng một vài người đi tuần đêm, qua cái điếm rẽ vào nghỉ thì cũng gặp nó. Nó hôi tanh bẩn thỉu vô cùng, mặt lúc nào cũng xanh lét cứ thấy người lạ vào là nép vào góc điếm mà chúi. Nhiều khi người ta phải đuổi bố con nó ra ngoài cho đỡ mùi. Ông bố thỉnh thoảng còn bắt chuyện chứ thằng con chưa bao giờ thấy nó mở mồm ra nói gì. Tôi ấy mưa to lắm, ông cùng một vài người không đi tuần mà đi thẳng ra cái điếm kia ngồi cho hết giờ rồi về nhà ngủ. Thằng con nhà kia nằm 1 xó. Vẫn cái mùi hôi thối, tanh tưởi hàng ngày nhưng hôm nay còn nồng lên thêm một mùi gì đó khác khác giống như mùi máu. Đang vào câu chuyện thì ông thấy xa xa có ánh đuốc rồi tiếng bước chân chạy ra hướng này. Mọi người thấy lạ đứng lên đi ra thì thấy hóa ra nhà lão Sâm trong làng vác theo gậy gộc tới. Lão này ngày xưa cạy nhà có tí gia thế trong làng ngang tàng ngỗ ngược lắm. Gặp mấy người đám ông chẳng thèm chào hỏi gì hất hàm hỏi luôn:
- Có thấy bố con thằng ăn xin đâu không?
- Có chuyện gì vậy ông? Một người hỏi lại
- Cái thằng ăn xin mất dạy, nay nó làm vườn cho nhà tao, tao đã cho nó củ khoai mang về rồi vậy mà nó còn to gan ăn trộm con gà của ông.
Nói rồi lão sai người vào lôi cổ hai bố con nhà ăn xin ra. Ông bố đi đâu vẫn chưa thấy về, thằng con thấy người ta to tiếng bên ngoài thì sợ lắm. Lúc thằng con lão Sâm lôi nó ra, mặt nó xám xịt, sợ đến mức mặt cắt không còn giọt máu nào. Lão lấy đuốc soi mặt thằng này. Bây giờ ông mới nhìn rõ được mặt nó. Mặt nó gầy lồi cả xương ra, xanh lè, mắt như thụt vào bên trong. Tay chân nó toàn mụn cóc, trông rất ghê. Lão Sâm hỏi “ Bố mày đâu”, thằng bé lắp bắp không nói nên lời, lúc nó mở miệng ra định nói gì thì mùi tanh tưởi của máu cũng theo miệng nó đi ra theo. Bây giờ mới thấy cái miệng nó đang đỏ hỏn dính toàn máu là máu. Lão Sâm thấy thế hét lên “ Bố con nhà mày ăn sống gà nhà ông phỏng” Rồi lão lấy cái quốc phang thẳng vào đầu thằng bé. Nó chết ngay sau cú đánh của lão. Người ngang ngược như lão Sâm ở làng này ai cũng biết. Chỉ tội thằng bé, còn chưa nói được câu gì. Ông đỡ được nó, cả khuôn mặt nó bê bết máu, máu trào ra từ hai bên hốc mắt, chảy cả vào cái miệng vẫn đang há ra của nó trông ghê rợn vô cùng. Đúng lúc này thì bố nó ở đâu về. Thấy người ta đang ôm thằng con mình mới chạy lại coi. Rồi bố nó gầm lên như con thú điên, giằng lấy thằng con từ tay ông. Chẳng ai nói gì được nữa, người đàn ông ấy đang điên cuồng lay thằng bé nhưng nó đã chết rồi. Rồi ông ấy bế thốc thằng bé lên, chỉ vào mặt những người đang đứng ở đấy hét to:
- Lũ chúng mày giết chết con tao
Lúc ấy nhìn lão ăn xin ấy như phát điên lên, lão chỉ mặt từng người rồi hét “ Tao sẽ về giết chết cả nhà chúng mày” rồi ôm thằng con chạy thẳng ra sông. Trên tay lão vẫn đang cầm một con chuột.
Hai hôm sau xác lão với thằng con trôi vào bờ sông. Chẳng ai kéo hai bố con lão lên cả, nhưng để đấy thì ghê lắm nên làng lại bắt người ra đẩy cái xác ấy ra giữa dòng cho trôi đi đâu thì đi. Ông thương hai bố con nhà đấy nên xin làng làm việc này. Ông không đẩy họ ra dòng mà kéo vào đắp cho hai cái mộ ngay gần đó. Đêm đấy trời mưa to lắm, mưa làm lở cả đất, ngôi mộ ông mới đắp ban chiều cũng theo đấy mà trôi xuống sông. Hai bố con nhà kia dường như không muốn chịu ơn cái làng này thêm một chút gì nữa. Họ đang ở đâu đó giữa dòng nước đục ngàu kia. [next]

Chuyện thứ 6

Nhà ông bà nội vợ em ở gần cuối làng. Khi bác cả lập gia đình, ông cắt đất ra làm cho một ngôi nhà ngay gần bên đấy, tới lượt bố vợ em lập gia đình cũng vậy. Thành ra nhà ông ở giữa, hai bên là nhà hai con trai. Vẫn còn thừa đất ông bán cho người ta để làm nhà. Nói vậy là các thím hiểu ngày xưa đất nhà ông rộng thế nào rồi đấy. Nhà ông ở gần ngay bên con sông, chỉ đi qua bãi bồi một chút là ra tới sông rồi. Em nói thật, về quê em sợ nhất là buổi tối ở đây. Đôi khi đang nằm ngủ nghe tiếng gió ngoài sông thổi vào, nhiều khi tiếng gió chẳng còn là tiếng gió nữa, lắm lúc nghe như tiếng réo hay tiếng gầm gừ của một sinh vật nào đó giữa sông vọng vào. Gần ngay bãi là một cái bến đò, vì ở đó có cây gạo già lắm nên người ta gọi là bến đò Cây Gạo. Bây giờ Hải Dương với Thái Bình đã có cầu nối qua sông rồi, người ta tính bỏ bến đò này đi nhưng dân không chịu, cứ đòi giữ lại. Bác nào có dịp đi qua đây thì em thành thật khuyên một câu đó là không nên về muộn quá 8h tối. Riêng đường từ trên đê dẫn xuống chỗ bến đò này đã đủ để thử thách lòng dũng cảm rồi chứ chẳng cần đến lúc tới gốc cây gạo này rồi thì một mình đợi đò sang.
Vào những năm mà vợ em mới sinh ra, bố vẫn ở nhà. Ngay bên kia sông có một xưởng gạch tư nhân. Họ xây lên mấy lò gạch làm rồi bán ra bên ngoài, thêm vào đó còn sắm một thuyền để hút cát nữa nên công việc cũng đều lắm. Bố em nhờ quen biết với một người bạn của ông ở bên TB nên được nhận sang làm công. Bố kể đợt đó tiền công làm cũng đủ nuôi con M(vợ em). Hàng ngày sáng bố em dậy từ lúc 5h sáng, làm một vài việc lặt vặt quanh nhà rồi tầm 5 rưỡi sáng là đi ra bến đò để sang bên sông làm. Năm đó cái bãi bồi xưa giờ đã được làm đồng để trồng màu như ngô, khoai hoặc đỗ. Cứ mùa nào trồng thứ đấy. Từ nhà ra bến đò nếu đi đường chính thì phải vòng ra tận đầu làng rồi lên đê mới có đường xuống. Bố em thì lại lười nên bố cứ đi tắt qua cánh đồng mà đi thôi. Ông thì không thích bố làm bên sông lắm, chuyện thì các thím biết rồi đấy nhưng bố nói giờ không đi làm thêm chẳng có tiền nuôi con nên ông phải nghe. Nhưng ông bắt bố đi đâu cũng phải mang theo cái bùa quan âm mà đợt ông đi công tác trong quân đội ở trên phủ Lạng Sơn xin về được. Bố cũng ậm ừ rồi đồng ý. Bố vợ em nghịch ngợm từ bé. Nhà vắng bóng ông nên bố càng tha hồ nghịch. Hết cấp 3 là bố nghỉ học rồi, bỏ đi ra ngoài làm. Ông cùng mọi người nói sao cũng không thèm nghe. Ở ngay cuối làng, nghĩa là trên đường tắt bố em phải đi ra bến đò có một bụi tre to lắm. Bố đi làm sớm về muộn kể đôi khi qua đây cũng rợn rợn người. Nói về cái bụi tre này thì bác cả T nhà em lúc còn sống chưa bao giờ bác giám đi tắt như bố em qua cánh đồng ra bến đò, vì bác hãi cái bụi tre lắm. Truyện đấy em nghe vừa sợ vừa buồn cười, em sẽ kể sau.
Bố em đi làm không phải hôm nào ra cũng gặp đò ngay. Lỡ thì bố lại ngồi uống nước ở cái nhà của bà lão sát bến đò. Bà này đến làng từ bao giờ không ai rõ. Chỉ biết lúc đến mang theo một thằng con còn đỏ hỏn, bây giờ cũng phải tầm 30 tuổi rồi. Bố bảo bố biết con bà này, vì hồi bé ra đây chơi vẫn gặp đều mà. Bố em kể chẳng biết ông ấy tên thật là gì nhưng mà ai cũng gọi là Trâu hết. Vì lão khỏe, lại ngờ nghệch, thế nên giờ đã vợ con gì đâu. Chẳng ai thèm lấy cả, nhà lại nghèo, xây cho mẹ cái nhà tạm bợ rồi lão chán bỏ lên Quảng Ninh làm than, một năm về hai ba lần. Chớm đông năm đó, bố em vẫn đi làm bình thường, sáng sớm đợi đò ở đây qua nói chuyện với bà thấy gần đây bà lão vui lắm. Bà kể gần một tuần nay, có con bé xinh đáo để, cứ sáng sớm lại ra đây đứng đợi đò, chiều tối muộn lại về qua đây. Nó ngoan ngoãn lễ phép thưa gửi đàng hoàng với bà. Bà cũng lân la hỏi han thì biết nhà nó ở xa lắm, qua đây làm ăn thôi. Nghe chừng gia cảnh cũng khó khăn, ý bà là muốn lấy cái mối này cho cái ông tên Trâu. Bố cũng vui thay cho bà với ông Trâu. Rồi sáng năm đó bố qua đợi đò thì bà mừng ra mặt, nói chuyện vồn vã với bố nói, con bé đó nó ưng rồi. Giờ nó ở luôn với bà. Bố nhìn vào nhà thấy trong nhà đúng có cái bóng người áo trắng đi lại thật. Trời lạnh vậy mà sao mặc mỗi cái sơ mi trắng thế kia. Bố nghĩ trong đầu nhưng thôi, lại nghe bà bán nước nói mai thằng Trâu nó về thăm nhà đấy. Đợt này chắc ở nhà lâu lâu. Chắc là bà sắp xếp xong xuôi rồi. Bố cũng mừng.
Sáng sớm hôm sau bố em qua bến đò thì thấy có nhiều người ở đây lắm. Có cả xe của công an đậu ở đó nữa. Hôm đấy người ta phong tỏa bến sông, ca nô giăng lưới dọc từ bên này sang bên kia. Họ nói đang tìm người. Bố em ở lại xem luôn. Tính bố thế mà. Suốt cả sáng chẳng tìm được gì nhưng tới giữa sân trưa thì hình như có người để ý dưới cái bụi ở bên sông có cái gì đó nổi lập lờ trên mặt nước. Họ kéo ra sau đó một cái bao tải to lắm. Lúc họ đổ ra thì trong đó có một xác người đang bắt đầu phân hủy rồi. Đó là một xác con gái tóc dài, bên trong mặc một chiếc quần sa tanh đen, phía trên không có gì. Trên cổ nạn nhân có một vết cứa sâu. Cái xác đang phân hủy bụng trương phềnh lên trông ghê rợn lắm. Công an nói nạn nhân là một con nhà giàu, bị bắt cóc tống tiền nhưng không được nên bọn cướp nó giết rồi vất xuống sông. Lúc sau thì gia đình nạn nhân đến nhận con. Họ lập bàn thờ cho cô gái ấy ngay bên sông. Lão Trâu hôm đấy đã ở nhà rồi, lão về từ hôm qua cơ. Sáng nay bố em ở lại coi gì thì lão cũng coi đấy. Lúc người nhà nạn nhân mang di ảnh của cô ra, bố thấy lão Trâu mặt mũi tái mét lại, rồi lão hét lên thất thanh. Ai cũng giật mình không hiểu chuyện gì xảy ra. Lão Trâu như phát điên chạy một mạch vào nhà, như tìm kiếm cái gì đó. Ngay sau đó lão vác cái túi đựng quần áo ra rồi chạy một mạch lên đê. Bà lão ngơ ngác nhìn theo con không hiểu chuyện gì xảy ra. Rồi bà cũng lập cập chạy ra ngoài. Bà nhìn thấy ảnh cô gái xấu số kia rồi tím tái mặt mày, chạy vội vào trong nhà. Có người đi theo bà. Họ thấy bà chạy vào buồng trong. Rồi họ thấy trong đó không có ai nhưng có một cái áo sơ mi trắng trên giường. Áo sơ mi trắng cổ dính máu.
Lão Trâu từ đó bỏ đi biệt tích không một lần quay về quê. Bà lão sống được thêm vài năm thì cũng qua đời. Cái nhà đó bỏ hoang đến tận giờ. Người làng sau lần ấy mỗi lần có việc đi muộn qua đây đều nghĩ tới cô gái mà rùng mình. Có người còn thấy cô quay lại đây một vài lần, vẫn cái áo trắng đấy, nhưng không đi trong nhà bà lão nữa. Cô đi men theo bờ sông, ngược lên phía trên. Đó là nhà của cô ấy [next]

Chuyện thứ 7: Người yêu cô V

Cô V xinh gái nhất nhà. Ai nhìn cô lớn lên cũng bảo cô giống hệt bà hồi còn trẻ. Tuy cô xinh vậy nhưng số cô lận đận lắm. Cô là con gái đầu tiên của ông bà, ông lại đi công tác xa nhà, bà thì bận việc nên bao nhiêu việc nhà đều đến tay cô hết. Cô làm tất mọi việc từ trông em, đến việc đi chợ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Ấy vậy mà cô vẫn học giỏi lắm. Nhưng mà cô lại là con gái. Cô học hết cấp 3, bà nói cô ở nhà giúp bà chợ búa chứ cô mà đi học nữa thì việc nhà ai lo. Bà bảo “ Anh mày đi học tao nuôi đã tốn kém lắm rồi, giờ thêm mày nữa thì tao chết” Anh mày ở đây là bác cả T chứ bố em thì hết cấp 3 là nghỉ luôn rồi. Cô V cũng dễ tính, bà nói gì thì ghe theo đấy. Sau đó bà sắm đồ để cho cô đi buôn rau và hoa quả bên chợ huyện. Ở quê nhà em, đi lên thị trấn thì xa lắm, nhưng sang thị trấn ở Thái Bình thì rất gần. Cô cùng mấy người nữa cứ sáng sớm lại chở đồ sang bên chợ huyện bên kia bán, tối thì cô về. Đi đông người như vậy nên bà cũng yên tâm cho cô làm ăn. Cô đi chợ sớm lắm, cứ tầm 4h sáng cô đã dậy rồi, nấu cơm hay luộc củ sắn củ khoai mang đi ăn trưa, thu xếp hàng hóa rồi cô đi ra bến đò để đợi người đi cùng. Những ngày đầu tiên cô đi làm ai cũng lo cô thân gái đi sớm về muộn nhỡ đâu có chuyện gì nhưng cô bảo không sao, thêm nữa sau cả tháng trời cô đi làm cũng chẳng có gì xảy ra thật nên mọi người cũng yên tâm hẳn.
Cho tới một hôm, cô V đi chợ được một lúc thì bà cũng dậy. Cô đi chạy chợ thì bà phải dậy để lo cơm nước cho cô N, cô T ăn đi học rồi còn cho lợn cho gà ăn. Vừa tỉnh giấc được lúc thì bà nghe thấy có tiếng chân chạy lập cập về nhà, rồi thêm tiếng gọi “ Mẹ ơi, anh S ơi” lẫn tiếng khóc. Thôi đúng là con V rồi, không hiểu có chuyện gì xảy ra với con bé. Bà nóng ruột chạy ra, gọi cả bố em dậy nữa. Hai mẹ con ra đến cổng thì thấy cô V mặt mũi tèm nhem nước mắt lẫn đất đường đang hớt ha hớt hải chạy về. Bà hỏi vồn “ Sao, sao? ”. Cô thì thấy mẹ với anh chạy ra thì càng khóc to hơn làm bà càng sợ. Bố nóng tính nghĩ có đứa nào trêu em mình, vào nhà vác cái quốc rồi chạy ra bến đò. Bố em kể ra tới bụi tre cuối làng thì thấy cái xe đạp của cô V vứt ở đấy, 2 sọt rau củ hai bên vẫn còn nguyên. Nắm cơm của cô V vứt ngay ở bên xe. Bố thu dọn đồ rồi mang về cho cô. Tiếc nắm cơm của cô bố cũng mang về nốt. Hôm nay con V nó lại gói cơm nguội mang đi à?. Về đến nhà thấy cô V vẫn khóc bố mới hỏi có chuyện gì thì cô mới bắt đầu kể. Như mọi hôm cô đi tắt theo đường bãi bồi ra bến đò. Đi tới gốc tre cuối làng thì cô thấy hình như có mấy đôi mắt đang nhìn chằm chằm vào cô thì phải. Cô sợ lắm, đi thật nhanh thì bỗng nhiên có tiếng gọi
- Này con bé kia
Cô V giật thót mình, thiếu chút nữa thì xỉu luôn, cô quay lại thì thấy dưới gốc tre có một bà lão đang đưa tay ra vẫy cô. Nghĩ là người ăn xin hay tới làng mà cô có lần gặp rồi, cô thở phù đi tới
- Bà gọi gì cháu đấy ạ?
- Tao đói quá, mày có gì ăn không?
- Cháu chỉ có cơm nắm muối vừng thôi bà ạ
- Mày cho tao xin miếng
Cô V đưa nắm cơm cho bà lão ăn, nắm cơm hãy nóng hổi, cô vừa mới nấu sáng nay. Bà lão cầm nắm cơm của cô đưa lên miệng rồi trả lại. Cô thấy lạ cầm lại thì thấy nắm cơm nãy giờ đang nóng hổi tự nhiên lạnh ngắt. Cô giật mình nhìn lại bà lão thì thấy một gương mặt nhợt nhạt, đen sì, hai mắt mở to ra đang nhìn cô cười. Cô V sợ quá vất cả xe, cả nắm cơm ra đất. Rồi không chỉ một mà mấy tiếng cười nữa vang lên thé thé
- Mày làm con dâu tao nhé, hé hé hé….
Cô V sợ quá chạy tọt về nhà, tiếng cười của nó còn đuổi theo ngay sau cô. Cô chạy bán sống bán chết, ngã mấy lần vẫn đứng lên chạy tiếp. Tiếng cười của đám kia vẫn theo cô cho tới khi bà và bố chạy ra.
Bà thở dài. Lại cái bụi tre đấy. Ngày xưa ăn mày về đất này, có người chết đói ven sông, có người chết trong làng. Làng không cho chôn ở đất của làng thì họ lén lút chôn ở khóm tre bụi chuối. Mấy cái vong này không ai hương khói, ngày rằm tháng chạp lại ra trêu người. Hôm đấy bà bảo cô ở nhà, bà nghỉ việc đưa cô ra cái lầu ở trong làng thắp hương. Lúc bà với cô vào lầu, bà lão trông coi việc hương khói ở đó, chỉ thẳng mặt cô nói:
- Con này, có cái vong theo sau mày kìa.
Cô em sợ chết khiếp, bà làm lễ vào thắp hương, rồi bà xin lá dâu ở lầu về đun nước cho cô tắm. Cả tuần đấy cô ở nhà, rồi sau đó cô đi làm bình thường, cũng chẳng có gì xảy ra thêm nữa.
Bác cả đi học về lấy vợ ở mãi bên kia sông. Hai người học cùng nhau, giờ về làm cùng ở trường cấp 3 gần nhà. Sau đó bố em cũng lấy mẹ là người trong làng. Cả nhà giục cô V đi lấy chồng. Năm đó cô cũng 28 rồi. Lạ cái là từ sau cái ngày cô gặp ma, cô cũng chẳng có mảnh tình nào. Hoặc là trai làng chẳng ai giám đến hỏi cô. Bà thì buồn lắm, bà nói đi cắt duyên âm cho cô mấy lần mà chẳng được. Vậy mà một ngày cô nói cô có người yêu rồi. Cả nhà ai cũng mừng hết. Cô vẫn chạy chợ bên kia sông, ngày ngày qua cái trường tiểu học ở bên đó, ngồi nghỉ mấy lần thì gặp chú kia. Chú ấy làm giáo viên ở đó. Chuyện qua chuyện lại, thấy cô xinh xắn thì đem lòng thương. Ai nghe cô kể về chú ấy cũng mừng cho cô, bác cả càng mừng, bác còn đùa thế này thì nhà lắm giáo viên quá. Chú ấy đi bộ đội xong mới về đi học, hơn cô 4 tuổi, hai người dự định sang năm thì cưới. Cả nhà giục cô nói cô bảo chú sang thăm nhà đi. Rồi chú ấy cũng sang, hôm nhà ông bà làm có giỗ. Ai nhìn thấy chú cũng khen cô V khéo chọn người. Sau đó chú sang thăm nhà thường xuyên hơn, có hôm tối cũng sang chơi rồi lại về. Ba tháng nữa là cô chú làm đám cưới. Hôm đó chú sang chơi bàn chuyện với ông bà. Ông em lúc này về quê rồi, ở nhà làm công tác trên xã. Lúc chú về là gần 9h tối, bình thường đò ở đây chạy tới 10h mới nghỉ, đêm ai đi gọi họ cũng chạy cho nhưng tính giá khác. Hôm đấy không hiểu sao cô V nóng ruột lắm, cứ bảo chú hay ở lại nhà đi đừng về nữa. Chú thì lại bảo cô lo xa, đi bao lần có sao đâu. Mà không về nhà lại lo nên chú cứ về. Cô đưa chú ra bến đò, đi qua gốc tre kia, cô lại lạnh người, cảm giác bao nhiêu ánh mắt nhìn theo giống hệt khi xưa. Cô nhìn chú lên đò rồi mới về nhà. Đêm ấy cô như ngồi trên đống lửa, chỉ muốn sáng cho mau để sang gặp chú.
Đêm đấy có người ngã sông. Lúc đò ra giữa dòng, cái xà lan chở cát đi gần đến nơi mới rú còi. Người lái đò bẻ vội cái bánh lái tránh đường cho xà lan đi nhưng vẫn có va chạm. Hôm đó chỉ có một người khách trên đò. Do đứng phía trên mũi đò nên cả người cả xe sau va chạm bị hất văng xuống nước. Cái nghề sông nước bạc lắm, đã gắn với nó rồi thì không dứt ra được. Thấy người chết đuối không được cứu là cái luật nghiệt ngã nhất của người sống trên sông. Hôm đấy lại chỉ có một mình người kia đi đò, thành ra trong dòng nước đục ngàu ấy người ta chỉ biết bất lực nhìn xuống mà không thể làm gì. Đêm ấy trời nổi gió to, mưa lớn. Sáng hôm sau người ta mới đi tìm xác của người bị nạn. Cô V hay tin khóc ngất lên ngất xuống, ra bến đò gào khóc như một người điên. Ai cũng thương cho cô.Chiều hôm đấy người ta tìm thấy chú kẹt trong bụi lau bên sông. Chú vẫn còn đang thoi thóp. Cô V hay tin chạy đến đầu tiên. Cả nhà đưa chú đi cấp cứu. Phải 3 hôm sau chú mới tỉnh được về nhà, nhưng bác sĩ bảo mấy cái chấm đỏ trên người chú thì họ không sao chữa lành được. Lâu sau chú mới kể, lúc va chạm chú bị hất văng xuống, cũng chẳng đáng sao đâu vì chú được rèn luyện trong quân đội, tâm lí cũng vững vàng. Đang định ngoi lên thì hình như chú thấy có cái gì đó đang giữ chặt lấy chân mình lôi xuống dưới. Giữa sông kiểu này lấy đâu ra rong rêu mà bám. Chú giật, quẫy chân tay loạn lên, thì càng quẫy càng chìm xuống. Chú nghĩ lần này chết chắc rồi. Nhìn xuống đáy sông chú thấy trong dòng nước đục ngàu ấy có đôi mắt đỏ đang nhìn thẳng vào chú. Mặc dù nước sông nặng phù sa, lại đêm tối nhưng chú vẫn có cảm giác như đang đối mặt với một đôi mắt rất đáng sợ vậy. Nghĩ tới chuyện cô dặn chú lần tay lấy ra chuỗi hạt bình an đeo tay cô đưa trước lúc lên đò, miệng lẩm bẩm khấn. Rồi chú thấy chân mình cử động được, vội vàng lao lên trên, bám lấy khúc gỗ trôi sông rồi ngất lịm. Chú không hiểu sao trôi dạt được vào đến bờ, nhưng chú nói trong cơn mê, chú thấy đôi mắt đỏ kia vẫn nhìn chú, nó như điên cuồng, hậm hực mãi tới gần sáng chú lịm hẳn nó mới biến mất.
Ông nói: “ Nó không giết được thằng bé, nên giấu vào đây cho chết đói rồi bắt đi”
Cô chú lấy nhau, cô chuyển sang bên sông ở. Sau ngày lấy chồng phải có việc lắm cô mới về nhà. Cô sợ đi đò. Gần đây có cây cầu nối hai bên,lại thêm nhà nhiều việc xảy ra cô mới hay chạy sang. Phần chú, sau cái lần chết hụt đấy, chú mang về nhà theo mấy cái chấm đỏ trên người không đau, không ngứa nhưng nhìn rất sợ. Chữa sao cũng chẳng khỏi, mấy vết đó giống như của người ăn xin trước kia ông gặp. Cho tới một ngày, ông em làm cho nó biến mất. [next]

Chuyện 8 + 9: Chuyện gốc tre cuối làng

Sau khi cô V đi lấy chồng thì tới lượt cô N cũng lấy chồng nốt. Cô N lấy chú Đ ở ngay trong làng. Gần đám cưới cô N thì xã có chủ trương làm mới toàn bộ đường đi trong xã. Trước đây không chỉ xã em mà nhà thím nào ở nông thôn cũng biết đấy, đa số toàn là đường đất. Mà đường như vậy nắng đi thì không sao chứ mưa thì vừa bẩn vừa lầy lội. Việc làm đường này ai cũng hưởng ứng. Xã sẽ chi tiền nguyên vật liệu một phần. Dân thì góp công và phần còn lại. Nhà ông bà em gần cuối làng, được tin này thì vui lắm. Nhất là nhà bác cả, bác bảo đi làm xa hai vợ chồng đi xe đạp mà mưa gió thì tới trường không khác gì đi làm ngoài đồng về. Vậy nên bác cả đóng tiền làm đường cho cả 3 nhà luôn. Còn bảo bác ra làm công thì bác bảo bác chịu. Các cô biết chuyện cứ cười bác ngặt nghẽo.
Bác T hơn bố em 2 tuổi. Thấy bảo hồi bé bác với bố là hay chân lắm. Sáng đi chơi chưa đã, trưa về ăn xong cũng trốn đi chơi luôn rồi chơi tới tối mịt mới về. Bà đánh cho bao nhiêu trận mà hai anh em cũng chẳng chừa. Trẻ con thời đấy không phải đi học nhiều. Đất nước vẫn đang có chiến tranh. Người ta lo làm ăn là chính chứ không quan tâm tới bọn trẻ con nhiều. Cứ thả ra cho thích chơi gì thì chơi. Ông bà cũng đi làm suốt ngày, thành ra nhà ông bà em thành nơi tụ tập ăn chơi của cả đám trẻ con quanh đấy. Trưa thì đi tắm sông, chiều thì về đánh khăng, đánh đáo. Trưa hôm đấy chơi ở vườn nhà chán thì kéo nhau đi tắm sông. Chơi cũng mệt mệt nên bác cả quyết định về nhà làm con ngoan của bà. Bố em thì theo lũ bạn đi bắt chim chọc ong tiếp. Tối đến giờ chuẩn bị phải về nhà ăn cơm, bố quyết định học theo bác cả về làm con ngoan của bà. Về đến nhà chẳng thấy bác cả đâu. Bố em thì cứ nghĩ đơn giản là bác chơi ở đâu chưa về rồi. Vậy nên lúc bà đưa cô V về (cô V đi học nhà trẻ với bà) chỉ có bố em là con ngoan. Bà nấu cơm, bố trông em. Bà bảo bác về thì đánh cho mấy roi. Rồi ông cũng về, ông cũng bảo cho bác mấy roi. Đến giờ ăn cơm vẫn chưa thấy bác về thì bà bực lắm. Bà sai bố đi tìm bác về, bố đi tìm khắp xóm chẳng thấy bác đâu chạy về báo bà thì bà lại đâm lo. Ông cũng lo nên chạy sang bên nhà ngoại xem bác có sang đấy chơi rồi ở lại không. Bà bế cô V đi quanh xóm hỏi nhưng chẳng ai nói thấy bác. Bố tới nhà mấy đứa chơi cùng hỏi thì đứa nào cũng bảo thấy bác về từ trưa rồi. Ông sang bên ngoại tìm cũng không thấy bác. Ai cũng sốt ruột. Mấy người quanh xóm hay tin cũng sang hỏi thăm rồi chạy đi phụ tìm bác. Bà thì lo quá phát khóc lên, giờ chỉ mong bác về thôi chứ không muốn đánh đòn nữa. Mọi người bắt đầu nghĩ quẩn, sợ bác có chuyện chẳng lành. Đúng lúc này thì mọi người nghe thấy tiếng khóc rõ to ở bụi tre cuối làng. Mọi người chạy ra xem xung quanh đấy chẳng có ai, nhưng tiếng khóc thì vẫn vọng từ trên xuống. Ai cũng lạnh người. Ông tỉnh táo nhất, soi đuốc lên thì thấy trên ngọn tre, bác cả em đang ngồi khóc ngon lành
- Con ơi, mày leo lên đấy làm gì hả con? Bà em vừa khóc vừa nói
Bác cả thì chẳng nói gì, cứ khóc hu hu, hai tay ôm chặt lấy ngọn tre. Mà cũng lạ, bác em năm đấy 10 tuổi, đói ăn lắm thì cũng phải suýt soát 30 cân. Vậy mà bác ngồi trên ngọn tre ngon lành, cây tre cứ thẳng đứng như chẳng có gì ở trên. Biết bác bị ma trêu rồi nên bà chạy về nhà, mang mấy nén hương ra, thắp rồi cắm xuống đất nói:
_ Mày tha cho thằng bé, để nó về ăn cơm rồi ngày rằm hàng tháng tao thắp cho nén nhang.
Bà nói xong thì ngọn tre bắt đầu đung đưa, bác cả lúc này mới hét toáng lên: “ Thầy ơi, U ơi cứu con”. Ai cũng buồn cười. Ngọn tre lúc này không chịu được sức nặng của bác nên cong vút lại. Mọi người lấy rơm trải ra đỡ cho bác rơi xuống. Bác vẫn nguyên vẹn, cả người không có một vết thương nào mặc dù bụi tre này, dưới gốc toàn mây với gai. Bác kể, đang buồn ngủ về qua đây thì thấy có đứa trẻ con rủ vào đây chơi. Không hiểu sao bác lại đồng ý, rồi nó đưa bác vào bụi tre, bảo bác là có ngủ thì cứ ngủ đi. Tỉnh dậy thấy đã thấy ở ngọn tre rồi. Trên đấy bác nhìn thấy bố chạy đi tìm nhưng không sao mở mồm ra được. Mãi sau này vừa đói vừa sợ khóc toáng lên mọi người mới hay. Bác cả sau vụ đấy ngoan hẳn, không còn đi chơi nữa. Rủ đi chơi mà qua bụi tre là bác chối ngay. Vậy nên sau này bác mới học lên cao. Bố em đùa là không được ngủ trên ngọn tre giống bác cả nên vẫn ham chơi như thường.
Quay lại chuyện làm đường của xã. Tới đoạn đường nhà ông em làm, ông kêu hết con cháu ra phụ giúp. Xã thì cho một đội thợ ba người xuống phụ trách xây, dọn đường và phụ là người nhà của mấy nhà trên đoạn đó. Xây qua nhà ông em, đến cuối làng. Nhìn bụi tre ở đó ăn ra gần nửa đường, mấy người thợ quyết định cho chặt hết để còn làm. Đang tính nhà sắp có việc, lại có nhiều người nên ông xin mấy cây để mang về mấy hôm nữa còn dùng cho đám cưới cô. Chú Đ chồng sắp cưới của cô N hôm đấy cũng sang phụ. Chú vác dao vào chặt luôn. Cây đầu tiên thì không sao, đến cây thứ hai thì chặt mãi không được. Chặt tới mức lưỡi dao mẻ cả ra cũng không ăn thua. Không biết mọi người có ai biết con dao gọi là dao mác không. Ở quê nhà em loại dao này là dao lưỡi dày, chuyên dùng để chặt, không sắc như dao thái nhưng chặt cây hay bổ củi thì ok.
Chú còn bảo chặt gốc tre mà tê cả tay, như chặt vào tảng đá vậy. Tới trưa hôm đấy, ông làm cơm cho mọi người và cả mấy ông thợ. Trong lúc ăn cơm, có một người đứng lên nói ra ngoài đi vệ sinh. Rồi cả tiếng sau cũng chẳng thấy vào. Ai cũng nghĩ chắc ông này rượu vào nên kiếm chỗ ngủ rồi, cũng chẳng đi tìm. Đến giờ làm mọi người đi ra đường làm tiếp thì thấy ông ấy cứ đứng quay mặt vào gốc tre. Ai gọi gì cũng chẳng thưa. Chú Đ em vui tính nghĩ ông ấy đang đi vệ sinh đi ra trêu. Gần tới nơi, chú vỗ vai ông ấy một cái. Quay lại nhìn chú là một đôi mắt đỏ lòm, cái miệng cười ngoác ra, trời hè nắng nóng thế nhưng ngươi ông ta lạnh toát mặt mũi xám xịt, đầu tóc rũ rượi. Rồi chẳng nói chẳng rằng gì người kia cầm con dao xây, chém ngay vào chân chú Đ một cái. Chú Đ bất ngờ bị đánh mới lăn ra đất. Đánh xong chú Đ, ông kia quay ra cười the thé, chi mặt chú Đ nói:
- Sao mày chặt chân tao? Sao mày chặt chân tao
Rồi lại the thé cười như điên dại. Chú Đ nhà em hãi quá, quên cả cái chân đau. Lồm cồm bò dậy chạy bán sống bán chết. Mọi người thấy thế ùa tới đứng quây quanh nó. Nó vẫn cười the thé. Ai cũng rùng mình. Ông thợ xây này người trong làng, bình thường hiền khô, không hiểu cơ sự ra sao lại ra đây đứng rồi thành thế này. Ông bà biết chyện chạy ra, bà nói ông ấy bị ma nhập rồi. Ông thấy vậy chỉ thẳng mặt nó quát:
- Mày là đứa nào, sao lại đứng ở đây?
Nó nhìn ông bằng đôi mắt đỏ lòm, rồi lại cười, tiếng cười như man dại. Nó chỉ cười thôi chứ chẳng nói gì. Ông lại quát:
- Mày là đứa ngày xưa ở đây trêu con V phải không?
Nó thích chí càng cười to. Trời hè nắng chang chang mà nó hành ông kia cứ đứng giữa trời. Vậy mà một giọt mồ hôi cũng không chảy xuống. Ông bảo bà lên chùa mời sư thầy qua để ông xử thằng này. Nó nghe thấy xong mặt hơi cau lại nhưng vẫn cười. Người làng nghe chuyện kéo tới càng đông. Nó thì vẫn đứng đấy, quay về phía gốc tre, thỉnh thoảng lại rú lên cười man dại. Bà đưa sư thầy tới. Ông ấy chẳng nói chẳng rằng, cầm bát nước pha sẵn tàn hương trên chùa hắt thẳng vào mặt nó. Nó rú lên hằn học nhìn sư thầy, lao đến. Mấy người thấy nó dữ vậy cầm gậy ghì chặt xuống đất. Sư thầy lẩm bẩm đọc kinh. Nó bắt đầu quằn quoại, gào thét rồi nó xin tha mạng. Sư thầy hỏi nó từ đâu đến, sao bắt người ta đứng đây thì nó thưa ngày xưa nó ở mạn Nam Định, đói quá đi sang đất này ăn xin rồi chết đói ở đây. Nó bị chôn dưới gốc tre kia. Tự nhiên nay có người phá nhà nó thì nó ra nó vật. Ông hỏi nó có bao nhiêu đứa ở đây thì nó bảo có mấy người nữa. Toàn người chết rồi chôn vội ở đây, không hương khói, chẳng biết đi đâu về đâu, hàng năm ăn nhờ hương nhờ hoa thổ công đất này. Ông còn hỏi nó sao ngày xưa trêu cô V, thì nó bảo, bà ngày xưa hứa hương hoa ngày rằm cho chúng nó mà mãi không làm. Nó tức nó ra trêu cô. Ông chép miệng rồi bảo sư thầy tha cho nó. Ông bảo nó tha cho ông kia, làm đường xong ông lập cho cái miếu bé ở đây, nhưng bắt nó trông coi nhà cửa đất cát cho ông. Nó đồng ý rồi đi luôn. Khổ thân ông thợ xây, nó đi rồi thì ốm nằm nhà cả tuần. Sau sợ chẳng dám đi làm ở đấy nữa. Sau đó người ta không thấy bọn nó ra trêu ai. Ông cũng giữ đúng lời hứa, lập cho cái miếu nhỏ ngay gần bụi tre cũ. Nhưng chuyện ma mị ở đây chưa dừng lại, cho tới ngày anh trai cô L về. [next]

Chuyện thứ 10

Tiếp chuyện cái ao sau nhà...
Cô N và chú Đ sinh con trai đầu lòng, đặt tên là P. Chú Đ là con trưởng, họ lại to nhất nhì làng cho nên cô N sinh được thằng đích tôn ai cũng mừng lắm. Ngày cô sinh ở trạm xá có bà em và mẹ chồng cô ấy ở đó trông nom. Lúc thằng cu ra đời, đưa cho bà nội nó bế đầu tiên. Nhìn thấy thằng đích tôn thì vui lắm, rớt cả nước mắt. Thằng P được một tuần tuổi thì nhà nó phát hiện ra ở bắp chân nó có vết chàm to lắm. Bà nội nó biết chuyện, đâm suy nghĩ. Ngày xưa ông bà nội thằng P đông con, nuôi không nổi, nghe nói có người bệnh ốm mà không có tiền chạy bệnh đành ra chết oan. Đó là chú ruột thằng P. Ngày xưa trẻ con chết trước khi đem chôn người ta thường lấy mực đánh dấu vào người để sau này nhỡ đầu thai lại vào chính nhà mình thì mọi người còn biết. Để em giải thích cụ thể hơn cho các thím hiểu. Các cụ quan niệm rằng, trẻ con tính nết khó chiều lắm, khi chết đi thường đem oán hận theo. Nếu chết bình thường thì không sao, bố mẹ dỗ dành một thời gian là nó cũng nguôi ngoai mà đầu thai kiếp khác. Còn nếu không nó còn đeo đẳng theo người sống mà làm tình làm tội. Chú thằng P lúc chết ông bà lấy mực xanh đánh dấu vào trên đùi. Giờ thằng ku sinh ra lại có đúng cái vết chàm trên đùi nên ông bà nội nhà nó đâm sốt ruột. Về phần ông bà nội nhà nó, chú ruột nó chết nhưng ông bà cũng đem chôn cất qua loa, bao nhiêu năm qua cũng không hương khói gì. Thời còn khó khăn, nuôi không nổi con để nó chết là chuyện rất bình thường, cũng chỉ chôn cất coi như là xong chứ ít người như ông bà nhà em đối với cô H lắm. Thằng P hồi bé nghe nói nó quấy lắm. Mới đẻ mà nó khóc suốt ngày suốt đêm, nó hành mẹ nó rồi đến cả bà nội nó cũng phải thức đêm trông nó. Ai cũng nói thằng bé ngang bướng từ nhỏ. Bà nội nó thì tín lắm. Cứ nghĩ đến việc chú lộn thành cháu (nghĩa là chú ruột lại đầu thai thành cháu) thì lại lo lên chùa khấn vái rồi đi xem bói nọ kia. Ai bảo làm gì cũng nghe theo vì sợ một ngày nào đó chú nó bắt nó đi. Thằng P sinh cùng năm với vợ em và ông D con thứ 2 của bác cả. Ông bà một năm có ba đứa cháu thì vui lắm. Ông bà cũng biết chuyện thằng P nhưng không tin, ai mà nói với ông là ông gạt phắt đi ngay. Cô N thì lại càng không tin, ai mà nói gì với cô có khi cô còn mắng cho. Cô bảo con cô sinh ra thì nó là con cô chứ sao lại là em bố nó được.
Thằng P càng lớn tính càng nganh bướng. Nó nghịch từ bé, lại thêm ông bà nội chiều cháu thái quá nên đâm hư. Thích cái gì là nó phải đòi, mà đòi là phải có bằng được. Đồ chơi có cái gì nó chơi một mình, nhưng sang bà ngoại chơi với anh D chị M, có gì hay là nó phải được chơi chung, chơi xong là cũng lấy luôn. Đâm ra ông D với vợ em mang tiếng là anh chị nhưng lại sợ nó. Thằng P này bé tí đã biết làm cả nhà sợ. Có lần nó dỗi mẹ mà trốn đi chơi từ sáng đến tối không về làm cả nhà đỏ cả mắt. Lúc tìm thấy nó đánh cho vài roi thì nó lăm ra ăn vạ, ai cũng lắc đầu thằng này mới bé tí tuổi đã biết làm khổ bố mẹ. Hè năm thằng P học lớp 1. Lúc này bố nó vay mượn đã mua được cái xe công nông để chờ đá cát ở bến mang đi đổ cho nhà người ta. Cô N thì chú mở cho một cửa hàng ngoài chợ để bán tạp hóa. Thằng P ở nhà với ông bà nội, tối thì bố mẹ đón nó về. Nhà ông bà nội nó cũng gần nhà ông bà em nên thằng cu cứ rỗi là chạy sang chơi với anh D và chị M. Thằng P được bố mua cho quả bóng đỏ đẹp lắm, lúc nào đi chơi nó cũng mang theo. Thành ra sân nhà ông bà em thành sân chơi của bọn trẻ con trong xóm vì đứa nào đá bóng chả ham. Sáng sớm đã tụ tập ở đấy chơi rồi, chơi tới tầm trưa mới về nhà ăn cơm, chiều đỡ nắng là lại chơi tiếp. Trưa hôm đó, cô N chạy vội về nhà. Cô chạy về nhà bố mẹ chồng hỏ dồn:
- Bố mẹ ơi, thằng P nhà con có đây không ạ?
- Nó chơi bên sân ông bà ngoại nó kìa. Mẹ chồng cô đáp
- Con sốt ruột quá, cả ngày nay đứng ngồi không yên, mắt thì giật liên tục. con chạy về nhà cho yên tâm. Cô nói
Rồi cô chạy sang bên nhà ông bà em tìm thằng P. Quá trưa rồi trẻ con đã về nhà hết. Cô không thấy thằng P đâu mới hỏi bà.
- Mẹ có thấy cháu đâu không ạ?
- Thằng bé đang chơi ngoài vườn với thằng D kia kìa, tao vừa gọi mà không đứa nào chịu vào ăn cơm. Bà nói
Cô N càng sốt ruột hơn chạy ra sau thì chỉ thấy D đứng đó
- Em đâu con? Cô hỏi D
- P nó xuống lấy quả bóng mà mãi chưa lên cô ạ. D chỉ xuống ao nói
Cô N nghe xong chết lặng. Cố bình tĩnh hỏi D lần nữa:
- Con bảo sao? Em đi đâu hả con.
- P nó đá quả bóng xuống ao, bảo cháu đứng đợi nó nhặt lên mà mãi chưa thấy đâu cô ạ. Cũng mới chỉ vừa nãy thôi.
Cô N lúc này không giữ được bình tĩnh khóc òa lên luôn miệng kêu “ P ơi, con ơi”. Rồi cô nhảy xuống ao tìm. Bà chạy ra thấy cô như vậy chột dạ sai ngay thằng D đi gọi cho mợ ra đây. Mẹ em chạy ra biết chuyện liền báo cho ông bà nội nó biết, rồi đi gọi cả bố nó về. Bà em tím tái mặt mày vào, lập cập chạy vào nhà thắp hương, rồi mang cả ra cái ao luôn miệng khấn:
- L ơi, con ơi, con trêu cháu đấy à
- L ơi, con ơi thả cháu ra đi con.
Ông bà nội nó cùng hàng xóm chạy sang. Cô N thì vẫn đang gào thét mò xung quanh ao. Bốn năm người nữa cũng nhảy xuống nhưng vẫn không thấy nó đâu. 10 phút trôi qua từ lúc cô N phát hiện thằng P mất tích, vẫn chưa tìm thấy đâu. Chú Đ biết chuyện chạy ngay về. Chú nhảy luôn xuống ao. Rồi chú đi một mạch ra cái gốc dừa bên mé ao. Chú bế thằng P lên. Cô nhìn con rồi ngất ngay tại chỗ. Thằng P chết đuối trong cái tư thế ngồi ôm gối. Nó ngồi lọt thỏm trong gốc cây dừa. Mắt nó mở trừng trừng. Hai cái tay quắp chặt lấy gối. Quả bóng đỏ được kẹp trong bụng. Lạ nhất là quả bóng đấy bị dìm xuống nước mà không nổi lên. Không ai hiểu sao nó lại chết ngồi trong gốc cây như vậy. Lo xong chuyện cho thằng P, ai cũng thắc mắc sao chú Đ lại biết chỗ thằng P chết đuối. Chú bảo “ Không hiểu sao lúc đó chân lại bước ra đấy. Vả lại, chú ngập ngừng nhìn bố mẹ chú. Ngày xưa bố mẹ chôn em ở gốc cây cạnh ao nhà mình đúng không?”
Thằng P chết đi, người buồn nhất là cô, cô ốm cả tháng trời. Mọi người trách bà trông cháu sao lại để xảy ra cơ sự vậy. Bà nói, vừa mới phút trước còn trông thấy hai đứa, không ngờ quay vào nhà đã thành ra thế rồi. Nhưng mà bà cũng buồn. Hết chuyện con L chết đuối ở ao, thêm chuyện cô H, giờ đến thằng P, bà bàn với ông cho lấp cái ao đi nhưng ông không đồng ý. Vì ông biết chuyện nhà mình còn liên quan đến cái ao này. Ông bà nội thằng P cứ tin rằng chú nó lộn về thành cháu rồi bắt cháu đi. Cô N nghe thì tức lắm, sau đó 1 năm thì cô chú chuyển hẳn ra ngoài sống. Bây giờ cô chú đã sinh được hai đứa, một gái, một trai nhưng chuyện về thằng P cô chưa bao giờ quên.
Tâm sự:
Các thím ơi em buồn quá, chú Đ nhà em mất rồi. Đêm hôm kia hai vợ chồng đang ngủ thì mẹ điện lên nói về ngay chứ chú Đ mất rồi. Buồn và sốc kinh khủng. Thứ 7 tuần trước về hãy còn ngồi uống rượu với chú nhận tin xong không tin vào tai mình. Chú em bị tai biến, lên bệnh viện được lúc thì mất. Vừa đưa chú ra ngoài đồng hôm qua. Sáng nay lên công ty làm nốt ít việc rồi lại xin nghỉ. Tội cô N cùng 2 đứa. Tuần sau em viết nốt chuyện này. Bây giờ tâm trạng quá!

Chuyện thứ 11

Chú Đinh và cô Nhàn
Ông chú nhà mình lúc còn sống là người nhanh nhẹn và tháo vát nhất nhà. Sau khi bác cả mất thì chỉ còn có chú Đinh là người đàn ông duy nhất đứng ở nhà lo toan mọi việc lớn bé vì bố em thì ở xa, vợ chồng cô Vân ít khi chạy qua chạy lại được (Chú Dương chồng cô Vân sau cái lần chết hụt thì sợ nước hẳn, mỗi lần về nhà ngoại qua đò lại vã hết mồ hôi, ai biết chuyện đều thông cảm hết). Năm chú Đinh mất ai cũng buồn. Ông bà em thương chú như con đẻ, lúc nghe tin chú mất ông như người mất hồn. Từ ngày về làm rể ở nhà em, bao chuyện không hay xảy ra đều có chú đứng ra cùng ông lo toan. Sau khi chú mất ông em trông suy sụp hẳn, già đi trông thấy sức khỏe cũng theo đó mà đi xuống rõ rệt.
Chú Đinh ở nhà, mua được con xe chạy chở vật liệu xây dựng nên nhà cửa cũng đàng hoàng. Vợ chồng chú cũng ra sức làm ăn tích góp xây được cái nhà 3 tầng to cũng nhất nhì làng. Cô chú sau khi thằng cu Phong mất thì sinh thêm được hai đứa. Con bé lớn Phương Anh, thằng thứ hai tên Tuấn. Cả gia đình chú bây giờ đã không còn ở trong ngõ nhỏ gần nhà ông em nữa mà chuyển ra mặt đường mở một cái đại lí bán vật liệu xây dựng. Hôm đấy mọi việc vẫn bình thường. Chú đi làm về cơm nước xong xuôi rồi làm ấm trà ngồi uống một mình xem tivi. Cô em kể lại là tầm 8h hơn chú kêu mệt, muốn đi nghỉ sớm. Thằng Tuấn năm ấy mới lớp 1 nên cô kèm nó học, cô chỉ vào xem chú thế nào rồi vào phòng học cùng thằng cu con. Đến 9h cô tự nhiên thấy nóng ruột chạy xuống xem chú thế nào thì cô thấy chú đang ôm ngực kêu khó thở. Cô vội vàng lấy dầu gió ra xoa hai bên thái dương cho chú, gọi ông bà nội sang trông 2 đứa để cô đưa chú đi viện. Chú thì nói không cần cô xoa ngực cho chú một lúc sẽ đỡ hơn nhưng cô không đồng ý nhất định phải đi kiểm tra. Cô chú gọi taixi đi lúc 10h đêm hôm đấy.
Tới viện bác sĩ trực đêm cho chú vào phòng cấp cứu và kiểm tra. Họ nói chú bình thường, kết luận là do căng thẳng mệt mỏi kéo dài dẫn đến khó khăn hô hấp thôi, không vấn đề gì. Chú em lúc đấy cũng đỡ hơn, rủ cô đi ăn nhẹ rồi về chứ ở đây không quen. Cô thì nài nỉ bác sĩ kiểm tra cho kĩ rồi cô mới yên tâm về nhưng họ từ chối. Cô chú ngồi nghỉ ngơi đến hơn 11 rưỡi thì bắt xe về. Lên xe đi được một lúc thì chú lại kêu khó chịu, cô vừa vuốt ngực cho chú vừa nói anh lái xe đưa chú quay lại viện. Chỉ một lúc sau khi chú kêu khó thở là chú lên cơn co giật. Đưa chú xuống xe cô cùng ông bảo vệ và chú lái xe vất vả lắm mới đưa chú lên được cái giường nằm rồi kéo chú vào phòng cấp cứu. Cô đi gọi bác sĩ trực tối hôm đó, nhưng đập cửa hay kêu gào các kiểu vẫn không có ai đáp lời. Bất lực cô quay lại chỗ chú nằm. Tình trạng chú lúc này đã xấu lắm rồi. Cô kể lại lúc đó mặt chú tái xanh đi, hai mắt cứ mở ra trừng trừng nhìn thằng lên trời, hai tay vật vã đập vào ngực. Cô vừa sợ vừa thương chú, nhờ chú lái xe kia điện về cho người nhà rồi nhờ ông bảo vệ đi gọi bác sĩ. Chỉ có cô và chú cùng một vài người hiếu kì giữa hành lang bệnh viện. Rồi chú mất trên tay cô. Chú không dặn dò gì được cho cô. Cái này là mẹ em kể lại cho em biết thôi, cô kể trước lúc chết chú chỉ nói một câu thều thào: “Mày.. không.. phải.. là con.. tao” rồi ra đi. Bác sĩ lúc này mới chạy đến, cô ngất ngay sau đó. Vợ chồng em cùng vợ chồng cô út về trong đêm. Người nhà chú Đinh lúc này cũng đã ở trên bệnh viện. Mọi người đồ hết trách nhiệm lên nhóm trực đêm hôm đấy do sự chậm trễ của họ mà chú em không được cấp cứu nên công an cũng phải vào cuộc. Đến 10h sáng hôm sau mọi người mới đưa chú về nhà được. Ca trực đêm đấy cam đoan không hề nghe thấy cô gọi, cô em thì chẳng còn tâm trí nào mà cãi nhau với họ. Rồi việc này cũng theo thời gian mà chìm xuống.Sau này khi em gặp lại ông bảo vệ bệnh viện ông ấy có kể lại với mọi em về cái đêm hôm đó, trong câu chuyện ông ấy có nhắc về một bóng thằng bé ôm bóng đỏ đi cùng cô chú lúc ra phòng cấp cứu. Ông ấy nói nó cứ đi theo sau cô nên ông ấy nghĩ là con cô chú. E chỉ giật mình im lặng vì sự thật sau này đã trả lời hết cho em rồi.
Đám tang của chú ai oán vô cùng. Tất cả mọi người đều sốc, ai cũng khóc thương cho cô chú. Con bé Phương Anh cứ ngất lên ngất xuống luôn miệng kêu "Anh Phong ơi anh đừng bắt bố đi mà anh ơi...". Thằng Tuấn còn bé mải chơi không suy nghĩ gì. Ai nhìn vào cũng chảy nước mắt. Bà em đau lòng quá ốm luôn từ hôm đấy. Ông thì không biểu hiện gì nhưng thể hiện sự mệt mỏi ra mặt. Đưa chú ra đồng vào một chiều mưa. Lúc chú về với đất ai cũng nghẹn ngào. Lúc hạ huyệt bát hương chú bốc cháy dữ dội. Cùng lúc đó ở nhà, bát hương thờ của Phong cũng bừng cháy lên… Mọi chuyện lại bắt đầu.

BÌNH LUẬN VỀ TRUYỆN

Các bạn đang đọc truyện trên DocTruyenVoz.Com, website đọc truyện voz nhanh, đẹp, không quảng cáo khó chịu... Hãy LIKE Facebook DocTruyenVoz dưới đây để cập nhật những truyện mới nhất!
Tên

#AnhChàngBéCon,29,#BạnLoằn,1,#BạnThânYêu,1,#BiênGiớiNgàyThángNăm,13,#BíMậtKinhHoàngTrongQuánNet,1,#CáChépMùaDịch,1,#CasinoKýSự,60,#CănNhàKho,1,#ChạyÁn,40,#ChịQuảnLýDễThương,6,#ChuyệnBựaThờiĐiHọc,1,#ChuyệnCủaBun,1,#ChuyệnLinhTinhTạiHạ,3,#ChuyệnLoạnXịNgậu,1,#ChuyệnTìnhTênTàiXếCứngĐầuVàCôGiáoBướngBỉnh,50,#ChuyệnVềNữSaleBĐS,1,#CóLẽAnhQuáNgốc,1,#ConChủTịch,1,#ConĐườngMangTênEm,1,#CóNênYêuCôBạnThânĐểBảoVệCôẤy,1,#ConGáiSếpTổngVàOsinCấpCao,19,#CôBéHàNội,7,#CôGiáoChủNhiệmCủaTôi,12,#CưaChịHàngXóm,1,#DầuKhí,28,#DòngĐờiNổiTrôi,5,#DuyênTrời,1,#ĐãNhớMộtCuộcĐời,11,#ĐơnPhương,28,#ĐứngDậyTừVấpNgã,4,#ĐừngĐùaVớiGáiHư,1,#ĐừngĐùaVớiTeen,1,#ĐừngLàCảThếGiớiCủaNhau,13,#EmHàngXómĐốiDiệnNhàTôi,1,#EmNướcMắtVàMưa,42,#EmSinhRaLàĐểHạnhPhúc,1,#GáiĐếnỞCùngNhà,37,#GấuEmCóVõ,1,#GấuEmLàHotGirl,1,#GópTiềnChơiCave,1,#HaiChịEmTinder,1,#HậuHóaĐơn,14,#HậuHóaĐơnPhiênBảnThực,24,#HóaĐơn,140,#IUsedToBeASugarBaby,13,#KhépLạiQuáKhứ,7,#KhôngPhảiTruyệnKinhDị,1,#KýSựChuyểnMộ,21,#KýỨcMộtThờiNgangDọc,77,#KýỨcVuiKhổ,1,#LàmNghệThuậtPhảiCóĐamMê,1,#LàmViệcTrongQuánMassage,21,#LàngQuêThànhPhốTôiVàEm,85,#LờiTrầnTìnhCủaMộtẢĐiếm,1,#LỡTaySờGấu,1,#LỡYêuNgườiTình,29,#MưaHayNướcMắt,31,#MyMemory,39,#NayCãiNhauVớiVợVuiQuáMấyBácẠ,34,#Nga,7,#NgàyHômQuaĐãTừng,6,#NgheCaveKểChuyện,39,#NgườiConGáiÁoTrắngTrênQuánBar,3,#NhậtKýBuồnChuyệnTù2013,26,#NhữngBóngMaTrênĐườngHoàngHoaThám,22,#NhữngChuyệnBựaThờiSinhViên,1,#NiềmHạnhPhúcCủaMộtThằngNghèo,13,#NữTiếpViên,33,#OanGiaNgõHẹp,78,#ÔiCáiCuộcĐờiCủaTôi,9,#ỞTrọVùngCao,7,#PhảiLòngAnh,1,#QueEmĐấtĐộc,1,#QuêNgoại,1,#RanhGiới,8,#Sau5NămGấuĐãDốiEm2Lần,1,#SayNắngCôEmTánCôChị,5,#TạiHạ,17,#TánCôGiáo,1,#TánGái10kSub,16,#TánGáiCùngCơQuan,1,#TánGáiTâyTrênMeowchat,6,#ThếGiớiCủaCậuCóMàuGì,9,#ThờiSinhViên,1,#TiềnHóaĐơn,51,#TiềnNhiềuThìCóNênMuaNôLệVềChơi,1,#TìnhYêuHọcTrò,74,#TôiĐangChănRauLàVợCũ,1,#TôiĐiTánGái,1,#TôiLàGáiDịchVụ,1,#TộiLỗi,58,#TruyệnKỳBíỞBerlin,1,#VẽEmBằngMàuNỗiNhớ,47,#VozNgoạiTruyện,1,#VôTìnhHônGáiEmPhảiLàmSao,10,#XinLỗiAnhYêuEm,5,#YêuCaveCaoCấp,12,#YêuGáiDịchVụVàCáiKết,1,#YêuThầmChịHọ,195,#YêuThầmEmVợ,17,#YêuThầmVợBạn,1,100 ngày cố yêu,1,1730.365.2.1,13,7 ngày làm gia sư,1,Anh có thể tặng em một nụ hôn không,1,Anh ơi em không phải là rau,1,Bạn gái cũ làm thư ký,33,Bạn gái tôi là lớp trưởng,1,Bản lĩnh ếch cụ,1,Bắt gặp gấu ôm eo thằng khác,1,Bị con bạn thân nhìn thấy chết em rồi,1,Bị đâm khi đi chơi cùng Gấu,1,Bị ép đi xem mặt gái,21,Bị gái ở bể bơi vô ảnh cước vào bụng,1,Boys Già,4,Bố vợ tôi,1,Bỗng dưng anh yêu em thiên thần bé nhỏ,4,Cách chinh phục gái hơn tuổi,72,Cai sữa,1,Cảm nắng chị cùng dãy trọ,13,Cảm ơn em con cave đã thay đổi cuộc đời anh,1,Cát tặc,14,Câu chuyện về 1 checker,9,Chàng lớp trưởng và cô nàng đanh đá,11,Chàng trai năm ấy tôi từng theo đuổi,1,Chăn rau,1,Chăn rau ai dè yêu thật,1,Chị ơi anh yêu em,1,Chuyện của một thằng bị bệnh tim,1,Chuyện của tôi,22,Chuyện em xả hơi,1,Chuyện FA kinh niên và có vợ như nào,1,Chuyện Q4,1,Chuyện tình buồn của tôi,53,Chuyện tình của anh nhân viên văn phòng và con gái cảnh sát,24,Chuyện tình của mình với gấu người Đài Loan,31,Chuyện tình của tôi nàng và con chó,1,Chuyện tình với em hàng xóm,1,Chuyện tình zồng,5,Chuyện tù,3,Chuyện về người phụ nữ,26,Chuyện xưa và nay,6,Có gấu là người Hàn,1,Con bạn thân,26,Con đường mang tên em,28,Con Thầy - Vợ Bạn - Gái Cơ Quan,2,Cô bạn gái người Mỹ của tôi,29,Cô gái của sếp,19,Cô gái thích coffee đen,1,Cô giáo Em sẽ mãi ở trong trái tim anh,39,Cô giáo và học sinh,2,Cô trợ lý và nàng gia sư,51,Cơn mưa ngang qua,1,Cuộc chiến giữa Nhíp xinh và Quần đùi hoa thủng đũng,26,Cuộc đời một giấc mơ,1,Cuộc đời tôi và những mối tình đi qua,54,Cuối cùng mình cũng lấy được vợ,1,Cưới em gái tiếp viên quán cà phê,1,Cười lên cô bé của tôi,129,Cứu gái đụng xe và câu chuyện tình buồn,1,Cứu net một em sinh viên hot girl,1,Danh Sách Truyện,327,dauphongver01,3,Dì ơi có phải là tình yêu,2,Dì tôi là một teen girl,7,doithayxx,8,Drop,55,Du học Liên Xô,73,Đã đến lúc phải nói lời tạm biệt,1,Đã nói lời tạm biệt,1,Đang viết,42,Định mệnh của tình yêu,1,Đôi mắt người xưa,1,Em đã bỏ nghề làm nông nghiệp như thế đó,1,Em đã là thiên thần,23,Em đã lỡ một tình yêu,1,Em đã nuôi con của người em yêu như thế nào,7,Em hàng xóm đối diện nhà tôi,3,Em hàng xóm mới chuyển về cạnh nhà,51,Em hàng xóm xa lạ,1,Em KTV Massage,1,Em là cô bé của anh,7,Em nhân viên của mama,4,Em sinh ra là để hạnh phúc,77,Gái net,19,Gái trọ cạnh phòng,8,Game Online Chuyện tình 5 năm trước,1,Gấu đã tán em như thế nào,1,Gấu hơn mình 6 tuổi,1,Gấu kute và cực kỳ bá đạo,4,Gấu mình ngủ với 1 gã đã có vợ,1,Gấu mới cao tay trả thù gấu cũ,1,Gấu phản bội sau 7 năm yêu nhau mặn nồng,1,ghost,2,Gia đình hắt hủi say nắng cô nàng lớp 12,53,Giá như dừng yêu,3,Giảng Viên lái xe bất đắc dĩ,33,Gio_Vo_Tinh2710,2,Giới hạn tình bạn hay vượt rào,4,Hành trình cưa đổ MC,1,Hành trình tìm lại,25,Happy Ending,35,Hãy hiểu anh người anh yêu,14,Hẹn ước Bồ Công Anh,4,Hoàn thành,213,Học sinh,33,Hối hận vì lấy vợ sớm,1,Hồi ức của một linh hồn,8,Khi vozer đưa gái đi chơi,1,Khiêu vũ giữa bầy gõ,30,Khiêu vũ giữa bầy les,18,khovigaitheo,3,Không lẽ nói cho cả thế giới rằng mình đang yêu,7,Không phải truyện kinh dị,12,Kỷ niệm ngu nhất trong cuộc đời,1,Ký ức xưa,3,Là duyên hay là nợ là chăn hay bị chăn,7,Làm thằng đàn ông tốt không phải lúc nào cũng hay,1,Làm việc cùng EX,1,Lắng nghe nước mắt My memoirs,3,Lần đầu hút cần,1,Lỡ ngủ với chị,1,Lời trần tình của một ả điếm,25,Minh Hoàng và Hoàng Vi,3,Mối tình đầu,1,Một đêm trăng lạnh trai lông bông cảm nắng gái lạnh lùng,1,mrxau,3,Mùa gấu chó,1,Này điếm em yêu chị,1,Này em làm cô dâu của anh nhé,9,Nên là chúng mình lấy nhau đi,1,Ngày không Phây,1,Ngẫm,52,Nghề bồi bàn,20,Nghề Vệ Sĩ,4,Nghi vấn cao thêm sau 4 năm tu luyện,32,Ngỡ quên và ngàn ngày nhớ,43,Người con gái nghiền chữ nạ,1,Người yêu cũ của gấu dọa giết em,1,Người yêu tôi là gái hạng sang,15,Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,41,Nhập viện xa nhà Gái thành phố thương,4,Nhật ký anh yêu em,9,Nhật ký chăn rau,7,Nhật ký gã tồi và cô cave bé nhỏ,1,Nhật ký Hoàng Vy,22,Nhật ký làm bố,1,Nhật ký những ngày đầu làm vợ,1,Nhật ký những ngày mưa,17,Nhỏ bạn thân bị less,22,Những đứa em gái và bà xã hiện tại,16,Nó lại nhớ anh như một thói quen khó bỏ,1,Nocturne 1 kí ức đẹp,1,Nợ duyên nợ tình,28,Nửa đêm gấu cầm dao,1,Ở chung với gái,23,Phải lòng anh,3,Phụ nữ không hề khó hiểu,1,Ra mắt gia đình ex,13,Sad Ending,15,Sau 10 năm gặp lại em đã có gấu là bạn thời lớp 1,5,Say nắng gia sư của em trai,9,Săn nã,40,Sống chung với gái,8,Tạ Trùng Linh hồi ký,1,Tác giả Tại Hạ,18,Tán cô giáo,39,Tán gái bên Hàn,1,Tán gái dễ ợt,1,Tán gái hơn tuổi và những bài học,2,Tán gái khó thế sao,1,Tán gái ở nhà,31,Tán gái Tây,15,Tâm sự,8,Tâm sự của chàng trai 18 tuổi sắp làm bố,12,Tâm sự của một thằng con trai tỉnh lẻ say nắng gái thành phố,1,Tâm sự hồi ký về trại Sa La Điên,1,The day you went away,43,The Khải Huyền,19,Thời trẻ trâu và chuyện tình tù,4,Tín dụng đen,18,Tình đầu sau 1 đêm trắng và phát hiện ra sự phũ phàng,1,Tình yêu và tình dục,1,Tôi đã tiêu 10k như thế nào,1,Tôi Em 2 thế giới,1,Tớ có thể yêu cậu cũng có thể quên cậu ngay lập tức,1,Trả thù gấu chó,16,Trai ngoan dính phải gái hư,1,Trót yêu,1,Trớ trêu,1,Truyện 18,28,Truyện cười,17,Truyện cười Vôva,47,Truyện ma,9,Truyện ngắn,101,Truyện tâm linh Bố em,1,Từ gặp ma đến gặp gấu,25,Tưởng nhầm gái hư đc nhầm gái ngoan,22,Vì cuộc đời là những luống rau,8,Vị tình đầu,12,Videos,12,Vo_Tonq_Danh_Meo,12,Vợ chồng hàng xóm,1,Vợ ơi anh biết lỗi rồi,27,Vợ xăm hình hổ báo nhưng rất chung tình,44,Vợ yêu,8,Vợ yêu ơi anh yêu em nhiều lắm,1,Xin lỗi em bởi vì anh nghèo,1,Yêu bé Dừa,2,Yêu chị cùng công ty,1,Yêu cô bạn học cùng cấp 1,4,Yêu em là hạnh phúc đời anh,1,Yêu em nhanh thế,1,Yêu em quá nhanh và nguy hiểm,8,Yêu gái dịch vụ và cái kết,11,Yêu gái matxa và kết cục,1,Yêu người cùng tên,70,Yêu người IQ cao,26,Yêu nhầm chị hai được nhầm em gái,16,Yêu thầm em gái bạn thân,1,
ltr
item
DocTruyenVoz.Com - Tuyển tập truyện Voz hay nhất: Truyện ma - Quê ngoại
Truyện ma - Quê ngoại
Truyện ma Quê ngoại - Tác giả: ogaken9x
DocTruyenVoz.Com - Tuyển tập truyện Voz hay nhất
https://www.doctruyenvoz.com/2020/10/que-ngoai.html
https://www.doctruyenvoz.com/
https://www.doctruyenvoz.com/
https://www.doctruyenvoz.com/2020/10/que-ngoai.html
true
3715675415566788023
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts XEM TẤT CẢ Đọc tiếp Reply Cancel reply Delete Đăng bởi Home TRANG TRUYỆN Xem tất cả CÓ THỂ BẠN THÍCH TAG ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Không có truyện nào! Về trang chủ Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April Thg 5 June July August September October November December Thg 1 Thg 2 Thg 3 Thg 4 Thg 5 Thg 6 Thg 7 Thg 8 Thg 9 Thg 10 Thg 11 Thg 12 just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow NỘI DUNG NÀY ĐANG BỊ KHÓA BƯỚC 1: Chia sẻ lên Facebook Bước 2: Bấm vào link bạn vừa chia sẻ trên Facebook Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content
A+ A-