Chọn chế độ đọc: Sáng - Tối
Chap 20: Trời trong bão sẽ về
Mấy ngày anh mới về có lẽ là mấy ngày yên bình và vui vẻ nhất đối với gia đình mình. Nhưng cũng vì thế mà mình cảm thấy khó nhìn mặt chị Lan hơn, vì chỉ có duy nhất anh Bình ra. Ông Dũng bặt vô âm tín. Tuy nhiên mình cũng chẳng thấy chị ấy đâu, một phần vì nhà có anh về, việc tự nhiên lại đổ đống ra, bề bộn hẳn, cả nhà rục rịch định cùng một số người thân quen thâu tóm toàn bộ quán bar, một phần còn lại chắc chị Lan tránh mặt nhà mình, đã vài lần anh chị cố liên lạc, thậm chí qua tận nhà nhưng không thấy đâu. Bà ấy không vướng víu con cái, bố mẹ như nhà mình, muốn đi đâu thì đi. Tự dưng hụt hẫng phần nào đó trong lòng, cảm giác xa xa nhau lắm...Sau 1 tuần, bằng cả lời nói và "hành động" về cơ bản thì quyền quản trị bar đã rơi vào tay hai nhân vật chính nhà mình và bố nuôi với khoảng 70% cổ phần gộp chung. 30% còn lại lác đác và lẻ tẻ chia cho những thành phần cứng đầu cố bám lại, hoặc những mối quan hệ cần thiết cùng với những người thân quen nhưng sẽ không tham gia vào việc điều phối. Bộ máy nhân sự cũng được cơ cấu lại sao cho hợp lý để đảm bảo hai điều là người thân tín và không thể chạy thoát được khi có chuyện xảy ra, phòng trường hợp xấu như chuyện của bà Hằng lại tái diễn ở đây. Đặc biệt là lần này để lấy lại uy tín và tiện việc quan hệ, đích thân bố nuôi sẽ làm giám đốc bar. Anh mình vẫn làm quản lý kiêm nhiệm cả đội an ninh. Mọi việc lại đi vào suôn sẻ, đúng 1 tuần sau khi anh mình ra, bar lại lên nhạc như bình thường, các con giời lại tấp nập qua bay nhảy, hàng xóm láng giềng lại được cơ than vãn vì sư ồn ào mất trật tự của cả khu phố này. Nói chung là vui đấy. Mọi chuyện có lẽ là ổn, ổn hẳn nếu như không xảy ra cơ sự này, khổ hơn nữa là việc xảy ra đúng vào thời điểm mẹ đi Thái Lan nghỉ dưỡng, trăm sự ở nhà mất phương hướng và bấn loạn hết cả lên...
Một giờ đêm, hai ngày sau ngày mẹ đi...
Sau khi ở bar về, vừa mới tắm rửa được một lúc mình lại thấy ông anh nghe điện thoại với vẻ mặt cực kì lo lắng rồi rục rịch mặc quần áo dắt xe ra khỏi nhà. Tới bốn giờ sáng thì thấy ông ấy dìu một thằng về nằm trên ghế ở phòng khách. Chị mình cuống cuồng mở cửa rồi chạy lên chạy xuống hết lấy cao dán lại nước lạnh và đá cho ông kia. Nghe chừng có vẻ lại có đánh nhau. Mình nằm trên giường và theo dõi tất cả qua camera IP cho tới khi ồn ào quá không chịu được bắt buộc phải mò dậy xem sự thể ra làm sao.
- Giờ này liệu đã hiệu thuốc nào mở cửa chưa? - Giọng chị lo lắng.
- Sao thế này? Giờ này lên Xã Đàn có, trên ấy bán suốt đêm.
- Thôi khỏi, lấy thêm đá đi. Mai đưa đi viện xem thế nào. - Anh mình nói.
Bà chị lại chạy hùng hục lên tầng lấy đá. Mình mới tò mò hỏi ông anh:
- Lại đánh nhau?
- Không, tự vệ.
- Lạy giời lạy Phật, anh vừa ra làm gì cũng chú ý chút. - Mình nhăn mặt.
- Cũng bảo anh đừng có ra rồi mà, lại phiền nhà anh. - Ông kia cũng thều thào, lúc này mình mới nhận ra khuôn mặt sưng húp của ông ấy có gì đó quen quen, nếu không nhầm thì cùng nằm trong hội "con nuôi" với ông anh mình, và cả mình nữa. Anh em cả.
- Mày nói hay nhỉ. - Anh gắt. - Người cùng một nhà cả, có chuyện không ra, mày định để sau này tao không nhìn được mặt ai nữa đấy à?
- Cái gì thì cái chứ, dù sao anh cũng mới về, nhỡ có thêm chuyện gì, em khó ăn nói với bố. Lỗi là do bên em cả.
- Giờ này thì còn lỗi lầm cái mẹ gì nữa. - Ông anh thờ phì phì. - Chúng mày có chuyện tao không đi, rồi sau này tao xảy ra chuyện thì còn dám vác mặt đi nhờ vả ai nữa. Lỗi lầm, đúng sai gì đã có bố phân xử.
- Đáng ra là em không được phép cho bọn dưới Nhổn cầm bát họ. Dưới đấy là địa bàn của bọn chợ xe, đáng lẽ là không được dây vào. Tại em tham quá. Lãi tận 30 ngàn/1 triệu/1 ngày, lại còn cắt lãi ngay. - Ông kia vừa ôm một bên mắt sưng húp vừa rên rỉ. - Ai mà chả ham.
- Hà Nội bắt đầu phân chia địa bàn từ khi nào thế? - Mình làu bàu. - Mẹ nó chứ, bọn dưới Mỹ Đình bắt đầu có tí tiền một chút là định lên chiếu trên đặt luật hết à? Rồi có ngày phải dạy cho chúng nó một bài học.
- Cái này mới, em không hiểu đâu. Từ hồi dân Yên Sở với Mỹ Đình lên, phải cơ cấu lại rất nhiều, nhưng anh em cùng "phường" với nhau cả vì mấy chục lẻ mà đến tận nhà đập phá thế này thì kiểu gì ngày mai cũng cần phải đi nói chuyện lại.
Điện thoại của anh lại kêu ầm ĩ, mình thấy anh nhấc máy giọng cực kì lo lắng, chỉ vâng vâng dạ dạ, đại khái qua loa mấy câu rồi thôi. Sắc mặt ông ấy tối sầm lại, thông báo:
- Thằng Nam chấn thương sọ não, đang cấp cứu ở Việt Đức rồi. Có lẽ nên gọi cho gia đình nó lên là vừa...
Mình sững người, ông ngồi trên ghế sô pha cũng bật dậy mắt trợn trừng. Nam là tên thằng nhân viên ở hàng cầm đồ nhà ông ấy, mình biết nó, thằng ku mới chưa tới 20, lên Hà Nội mới được hơn 3 tháng. Thi thoảng đông khách vẫn gọi nó lên trông xe. Thật thà và hiền khô, khách gửi xe bo cho 20k còn ngoan ngoãn nộp lại. Tự dưng sởn hết gai ốc, cảm giác tội lỗi như thể đó là chính lỗi của mình gây ra vậy. Ông kia gào lên, lao ra cửa, mình và anh phải giữ chặt lấy, nước mắt nước mũi ông ấy đầy cả trên mặt:
- Nam ơi, anh giết em rồi... Cô chú ơi, cháu giết em cháu rồi... Tao phải giết chúng mày... Giết hết lũ chó chúng mày...
Hai anh em phải giữ chặt ông ấy một lúc cho ông ấy đỡ vùng vẫy, rồi sau khi đợi ông ấy khóc lóc chán chê, tạm bình tâm lại, mới ấn đầu được ông ấy lên xe để đi vào viện. Hơn 5 tiếng sau gia đình thằng bé mới ở quê lên, thật sự thì không biết phải nói gì trong hoàn cảnh như thế này. Mình không phải quá yếu lòng nhưng cũng không phải quá cứng rắn. Những chuyện khóc lóc đau thương như thế này chỉ dám đứng ra ngoài len lén nhìn. Tới tầm chiều, chắc sau khi xem qua thầy qua sách để định giờ đẹp, và cũng biết khó còn hy vọng gì, gia đình quyết định rút ống thở, tất cả những người ở đấy đều câm lặng, dù ai lòng dạ có sắt đá đến mấy mắt cũng hoe hoe đỏ khi chứng kiến cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh...
Ngày hôm sau là 1 ngày mưa ảm đạm, nhưng không to, tới lúc đưa thằng bé ra đồng, trời tự dưng có chút nắng nhe, mọi người bảo chắc nó phù hộ cho gia đình, người trẻ thường thiêng và cũng thường khiến cho người ta mất nhiều nước mắt hơn. Cả "đại gia đình nhà mình" có mặt đông đủ, không ai không khóc... Khóc nhiều nhất có lẽ là ông đêm hôm ấy nằm ở nhà mình, đầu vừa quấn băng trắng vừa quấn khăn tang...
Phải mấy ngày sau, chuyện ấy vẫn là một nỗi ám ảnh với gia đình mình. Cửa hàng cầm đồ bên kia chỗ thằng Nam làm thì sập tiệm hẳn, công an bắt đầu tiến hành điều tra nhưng chưa mang lại nhiều kết quả. Lần đầu tiên mình cảm thấy chùn tay, cảm thấy sợ một cái gì đó hơn là cả đi tù, không phải sợ chết, mà là sợ cảm giác mất đi người thân. Đã mấy ngày, cả nhà lặng lẽ đi ra đi vào, hết lên bar rồi lại ra cửa hàng, cố làm việc để quên đi sự ám ảnh về một nỗi lo vô hình bên cạnh. Rồi một hôm, chắc tại thấy mình xuống tinh thần nhiều quá, ông anh mới động viên:
- Sinh nghề tử nghiệp, chuyện như thế này hiếm xảy ra lắm, một phần cũng do nó nông nổi không biết tránh đi mà cứ hung hăng lao vào, em yên tâm nhà mình không để xảy ra những việc như thế đâu?
- Nhưng dù sao nó cũng trẻ quá.
- Biết là thế, nhưng làm ăn ngoài máu liều ra còn phải có cái đầu, biết lúc nào cương lúc nào nhu, biết khi nào dùng nắm đấm và khi nào dùng cái mồm, quan trọng là đừng tham lam quá. May là khi anh ở trại, mọi việc ở nhà bình an, không thì ăn năn hối hận cả đời.
- Mẹ dặn là chỉ thu vốn, không thả họ. Tất cả là có mẹ cáng đáng hết, em chỉ thừa lệnh thôi. Đừng nói cho vay xa, chứ vay gần, vay mối quen em cũng đỗi lại hết.
- May mà nhà còn có mẹ.
Hai anh em đang trầm ngâm suy nghĩ thì có hai thằng đi xe Wave đẩy cửa vào, một thằng gãi gãi tai hỏi:
- Anh ơi cho em xin cầm cái xe.
- Hôm nay bận không cầm đâu, chịu khó mang qua Láng nhé. - Anh mình nhìn nhìn một lúc rồi từ chối, một phần chắc chê con xe nát, phần nữa chắc cũng chẳng có tâm trạng mà làm mấy việc cỏn con vào lúc này.
- Anh xem cố gắng hộ em với, qua Láng em sợ luộc đồ lắm. - Thằng kia cười cười cầu tài.
- Xe có giấy tờ không? - Mình hỏi.
- Dạ không, nhưng xe em là xe xịn không phải Tàu, anh cho em cầm tạm 2, 3 tr thôi. Rồi em qua lấy.
- Thôi thế thì chịu ông mang qua đường Láng hộ tôi. - Mình cười. - Xe không giấy tờ cầm dễ mất cả xe lẫn người lắm.
- Em hỏi khí không phải, anh có phải anh Bình con bố Hải không ạ?
Mình hơi chột người một chút, tự dưng có cảm giác không lành, ông anh mình chắc cũng thế, mắt đảo sang nhìn mình rồi lại nhìn nó trả lời một cách rất cảnh giác:
- Không phải, Bình đi vắng rồi. Có việc gì gặp Bình không?
Vừa mới trả lời dứt mồm thì thằng kia rút ngay một con dao Thái Lan loại thon dài và sắc chuyên dùng gọt hoa quả ở cạp quần sau lưng ra, nhằm thằng hướng ngực ông anh mình mà đâm. Ông ấy may mắn phản xạ nhanh đứng phắt dậy nắm tay giữ được nhưng không may là chúng nó đi hai thằng, thằng bên cạnh cũng hùng hổ lao vào cầm một con dao xiên thẳng vào bụng anh mình một nhát, máu ồng ộc tuôn ra từ ổ bụng. Việc diễn ra quá nhanh, mình lại ngồi khuất bàn không kịp phản ứng gì. Lúc ấy chỉ biết làm theo cảm tính, đá vào nút báo động dưới chân, tay quơ quơ gầm bàn tìm "đồ". Mẹ kiếp chứ, giờ mới nhớ ra đống đồ đã được giải tán hết từ đời nảo đời nào rồi. Nhìn quanh chỉ có cái lap là có thể tạm dùng được, mình điên cuồng cầm con lap phang thẳng vào đầu thằng đang bị ông anh giữ, đập như loạn vừa đập vừa gào thét chửi bới, thậm chí giờ mình cũng không nhớ là lúc ấy mình chửi cái gì, và đánh nó như thế nào. Chỉ sau vài đòn cái đầu nó đã ròng ròng toàn máu, và gục xuống.
Thằng kia rút dao ra tính xỉa mình, thì bị mình ném ngay cái lap vào giữa mặt ngã bổ ngửa ra gần cửa. Mình đạp gãy chân bàn kính cầm được thanh inox chẳng dọa dẫm gì cả cầm ngay lên phang thêm mấy phát vào đầu thằng đã nằm gục cho nó lịm hẳn và tiến nhanh lại gần thằng đang ngã. Tiếng còi báo động ầm ĩ, cửa cuốn thì lúc này đã xuống được đến ngang tầm rồi, trong nhà đang tối dần. Nó vùng dậy chạy được ra ngoài, lao lên xe rú ga chạy như một thằng điên, mình biết có đuổi theo cũng không ích gì vội vàng quay lại đỡ anh. Ông ấy chỉ kịp phều phào mấy câu, máu không ngừng tuôn ồng ộc ra ngoài dù tay ông ấy và tay mình đang cố ghìm chặt:
- Đưa anh... Đi... Viện...
Tối hôm đấy tình trạng của anh đã khá hơn, dao đâm thấu bụng, xuyên dạ dày mặt trước ra sau, tổn thương tụy, rách tĩnh mạch chủ bụng, nhưng chắc chắn đã quan cơn nguy kịch giờ chỉ nằm tĩnh dưỡng. Thằng ôn vật kia cũng nằm ở phòng bên cạnh được cách ly và được anh em xã hội nhà mình chiếu cố rất đặc biệt, coi như là một cách để giam lỏng nó. Chị lại được dịp khóc sưng húp cả mắt. Còn mình tạm thay mặt anh tham gia cuộc họp bất thường của "đại gia đình" được tổ chức ngay tại bar. Hôm nay bar lại bị đóng cửa thêm một lần nữa. Mảnh đất này đúng là có "dớp" làm ăn thật.
Ngồi trong căn phòng lớn nơi vẫn thường được gọi là sàn là hơn 30 chục người, có người lặn lội từ Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Ninh xuống... Tuy tuổi tác, công việc, và mục đích của mỗi người đến đây là khác nhau. Nhưng tất cả đều có một điểm chung đó là gọi bố nuôi của mình là "bố", khuôn mặt ai cũng căng như dây đàn và đầy sự hằn học hận thù. Không khó để đoán ra mục đích của cuộc triệu tập bất thường ngày hôm nay...
- Đông đủ cả rồi chứ? - Giọng bố trầm trầm khác hẳn cái giọng uy dũng như sấm động mọi khi.
- Gần như tất cả anh em đã đông đủ thưa bố. - "anh cả" của "đại gia đình" lên tiếng.
- Hôm nay bố gọi các con đến đây vì chuyện gì chắc các con cũng đã biết hết rồi. Thời gian qua có rất nhiều chuyện xảy ra trên địa bàn nhà mình. Thôi chuyện rùm beng nhà thằng Bình, thằng Dũng tạm qua bố không muốn nhắc tới. Nhưng hai vụ việc đau lòng xảy ra trong thời gian gần đây làm bố mất ăn mất ngủ... Thằng Bình, tạm tai qua nạn khỏi, bố xin chia sẻ với gia đình nhà nó. Còn chuyện thằng Nam người làm cho thằng Thạch, bố nghĩ không ít thì nhiều, bố con mình nên có chút trách nhiệm với gia đình nhà nó, bố mẹ nó già rồi lại có mỗi đứa con độc đinh. Vừa rồi bố có gửi cho thằng Thạch năm mươi triệu... - Giọng bố cứ nhỏ dần, nhỏ dần.
- Con xin lỗi bố, xin lỗi anh em. Cho con phát biểu. - Tất cả quay lại nhìn phía có cánh tay giơ lên, không khó để nhận ra đây chính là ông anh đã đọc lệnh biểu quyết đóng cửa bar lần trước. Đợi cho mọi người chú ý hết vào mình, ông ấy mới hắng giọng nói tiếp. - Có thể anh em ở đây nhiều người không biết tôi và cũng xin thứ lỗi nhiều người ở đây tôi cũng không biết. - Bắt đầu có tiếng xì xầm. - Nhưng tất cả chúng ta ở đây là anh em một nhà, không dám nói là có phúc cùng hưởng nhưng nhất định có họa là phải chia. Con hỏi bố, mục đích của cuộc họp hôm nay ở đây là gì? Quyên góp ủng hộ hay là thế nào? Tiền có mua được người không? Nếu mua được con xin góp hẳn 5 tỉ.
Tất cả lại ồn ào, có tiếng người xì xào này kia, mình biết ở đây có nhiều người quan hệ bố con chỉ là để làm ăn, không thực sự có tình như một số anh em thân cận. Cái vị trí của bố trong đại gia đình, có tiếng nói, có uy quyền như bang chủ ngày xưa vậy. Dĩ nhiên là việc ấy khiến nhiều kẻ thèm khát luôn tìm cớ chọc ngoáy vào đó.
- Con cứ bình tĩnh, đây không phải đất giang hồ, chúng ta chỉ là người làm ăn. Cần phải có cái đầu, việc thằng Bình, thằng Nam khắc sẽ có cơ quan chức năng lo. Mình đừng dại dột nhúng tay vào mà rước họa, tất cả những gì bố mong muốn các con làm ngày hôm nay là chia sẻ...
- Thôi thôi đi bố, con xin bố. - Ông kia tiếp tục ngắt lời. - Công an nó chẳng biết mười mươi ra đấy rồi, nhưng họ có thèm làm không, mở miệng ra là bằng chứng, chứng cứ... Đau đầu, đợi người dưng nước lã họ giải quyết cho sợ lúc đấy mạng con, mạng bố đã không còn rồi. - Ông kia trợn trừng mắt chỉ trỏ tay loạn xạ cả lên. - Nợ máu phải trả bằng máu. Mọi người có thể biết, tôi không hề quan hệ đặc biệt gì với nhà Bình, cũng không quá thân thiết với nhà thằng Nam, hay ông Thạch. Tất cả những gì tôi nói hôm nay là vì anh em. Vì cái nhà này, vì việc làm ăn của cả gia đình, vì bộ mặt của tôi, để ra đường khi tôi nói tôi là con bố Hải không có thằng nào cười và khạc một bãi nước bọt vào mặt tôi cả.
- Đúng đấy bố, giờ cóc nhái nhảy lên làm người hết rồi. Chúng con theo bố đã hơn chục năm, từ hồi còn làm xe ôm chợ giời, việc gì cũng đã từng. Nhưng chưa bao giờ thấy người nhà mình bị khinh như bây giờ. Thậm chí lũ ong ve còn dám vác dao đến tận nhà truy sát thế này, sau này con có còn dám làm ăn ở đất Hà Nội này nữa được hay không? Giờ nó mới đánh người, rồi sau này nó gây sự, đập phá bát cơm của ai ở đây sợ cũng chẳng lành. - Một ông khá cứng tuổi ở sau cũng giơ tay ý kiến.
Mọi người lúc này đã nghiêng ngả lắm rồi, ai cũng có ý kiến của riêng mình, kẻ muốn dĩ hòa vi quý, kẻ muốn rửa nhục tức thời. Không ai chịu ai hết.
- Tôi biết chuyện lần này là việc khó cho anh em, ở đây có người đã dấn thân lâu rồi, ăn no mặc đủ, tay đã không còn cầm nổi cái dao chắc quen đếm tiền, có người cũng mới vào nghề, con nóng máu và nhanh chướng mắt. Bất đồng quan điểm là việc dĩ nhiên. Ngày hôm nay, nếu ở đây bố không có tiếng nói, không dàn xếp được cho anh em ổn thỏa, không có cái uy của bậc cha mẹ thì con, chính con xin đứng ra lập lại kỉ cương ở đây. - Ông ấy tự đấm thùm thụp vào ngực. - Đúng giờ này ngày mai, con sẽ sang bên Mỹ Đình nói chuyện với đội bên ấy, phải quấy thế nào con không cần biết, nhưng nhà con có bao mạng con xin dẫn đi đủ. Anh em nào thấy còn là người trong gia đình này, thì ngày mai theo tôi. Còn sau ngày mai, anh em nào tôi không thấy mặt, xin đừng bao giờ có chuyện mà định vác mặt đến chỗ thằng này nữa. Chúng ta không còn là người một nhà.
- Anh Hoàng cậy có chút tuổi, chút quyền mà định qua mặt bố ở đây à? Anh có còn coi bố ra gì nữa không? Có nghĩ cho bố không?
Một thằng vênh mặt lên định nắn gân ông anh hùng hổ này, nhưng lời nói chưa bay hết ra khỏi miệng đã ăn ngay một cú sút như trời giáng vào miệng, máu me, răng lợi đỏ chót. Tất cả mọi người đang sững sờ chưa kịp phản ứng gì thêm, ông ấy đã giật lấy cái điện thoại trên tay bố giơ lên cho mọi người xem:
- Chúng mày xem đi? Xem xem ở đây thằng nào mới là không nghĩ cho bố? Hay chúng mày chỉ bo bo nghĩ cho chúng mày thôi xem đi. - Ông ấy rít lên.
Mọi người nheo mắt nhìn vào màn hình điện thoại, ông anh già giơ chiếc máy lần lượt qua mặt từng người và đến lượt mình, dừng lại đủ lâu để mình đọc được những dòng tin nhắn từ một số máy lạ:
"Bố già, thời của bố và lũ chó con hết rồi, bọn con ngày mai muốn thu xếp gặp bố để xin lại người và bàn lại việc phân chia địa bàn và cổ phần một số nhà hàng trên địa bàn Hà Nội, mong bố nhìn thấy tấm gương sáng của mấy thằng con mà chiếu cố qua gặp bọn con, địa điểm tùy bố quyết định, không lại bảo bọn con bắt nạt lão già. "
- Thế này thì quá lắm rồi. - Một ông đập bàn đến rầm một cái tưởng chừng như vỡ nát cả mặt kính ra. - Từ lâu nhà mình đã nhường nhịn bọn Yên Sở và Mỹ Đình nhiều quá nên chúng nó tưởng mình là con chúng nó mất rồi. Mẹ kiếp, chó liếm mặt mất rồi. Ngày mai con sẽ đi với anh Hoàng.
- Em xin lỗi vì đã trách nhầm anh Hoàng. Em cũng muốn đi. - Một cánh tay khác lẳng lặng giơ lên.
- Con nữa...
- Con cũng muốn làm rõ việc này...
...
Cục diện thay đổi hẳn, gần như mọi người thay đổi thái độ sau khi đọc những dòng tin khiêu khích kia. Hà Nội chật chội nên không khó nhận ra người quen, tên tuổi, gương mặt của thằng dám cả gan chọc vào ổ kiến lửa không ai khác ngoài sếp của ông Tam. - Cái ông chuyên lo giấy tờ và xe cho nhà mình mà mình đã có dịp nhắc đến trước đây. Hội của nó phụ trách hoàn toàn đội quân móc túi, trộm cắp, đòi nợ, tín dụng đen, bóng bánh, lô đề, cờ bạc... Đại khái tất cả những thứ gì kiếm ra được tiền từ mạn chợ xe chùa Hà đổ dọc về dưới Nhổn, đã từ lâu nổi tiếng mạnh tay và không nhường nhịn san sẻ lãnh thổ cho bất cứ ai. Đợi mãi không khí có vẻ không chịu lắng xuống, bố mới khó nhọc cất tiếng nói át hết tất cả:
- Thôi được rồi, giờ không phải là chuyện của riêng bố hay nhà hai đứa kia nữa. Mà là việc chung, là bát cơm và bộ mặt của tất cả các con. Bố sẽ thuận theo ý thằng Hoàng. Bố sẽ dần các con đi gặp mặt nhưng tất cả cần phải bàn bạc cụ thể, tránh bứt dây động rừng, không phải hùng hổ kéo đàn, kéo đống đi là được. Giờ theo ý bố như thế này, các con nghĩ sao... ?
...
Sau 12h đêm, thì cuộc họp kết thúc trong sự căng thẳng và bất đồng quan điểm cực lớn giữa các bên. Nhưng đã đi đến được một thống nhất chung. Ngày mai, sau khi đã thống nhất được chỗ hẹn với bên kia ở một nơi trung lập, tốt nhất là ở ngoại ô Hà Nội để tránh bị dòm ngó. Sẽ có người báo tin cho tất cả anh em, ai đi được thì sẽ dẫn theo toàn bộ đệ tử của mình đi, phòng khi có biến không thể nói chuyện bằng nước bọt xuông được. Ai không đi được sẽ không truy cứu, đó là quyền cá nhân. Mình về và thuật lại toàn bộ nội dung cuộc họp cho chị nghe, anh lúc đó vẫn còn nằm trong phòng hồi sức không biết gì hết. Chị chẳng nói gì nhiều chỉ nắm chặt lấy tay mình, mắt lại rưng rưng:
- Mai em đừng đi.
- Em cũng muốn thế, nhưng chỉ sợ không dám nhìn mặt anh em được...
- Chị sợ lắm, nhỡ may xảy ra chuyện gì. Anh Bình qua khỏi rồi, phúc đức cho nhà mình em không sao, không chị không biết phải sống thế nào, phải nhìn mặt mẹ thế nào. - Nước mắt bà ấy chảy lưng tròng.
- Phải chi có mẹ ở nhà...
- Chị cũng không biết liên lạc với mẹ bằng cách nào hết. Những lúc thế này mới biết không có mẹ, nhà như rắn mất đầu.
- Vâng. Mà chị cũng đừng quá lo, chỉ là đi nói chuyện thôi mà. Có gì em sẽ chạy trước tiên. Nhà mình dồn hết người vào lần này, không sợ lắm.
Mặc dù tự trấn an như vậy nhưng mình vẫn thở dài não hết cả ruột ra, cứ tưởng sau cơn mưa trời lại sáng lên thêm mệt chút, ai ngờ lại càng gần với dông bão hơn.
Sáng sớm hôm sau nhận được tin cấp báo từ ông Hoàng, bố bị bắn ở dưới Trần Khánh Dư khi vừa bước từ một quán bar khác của nhà ra. Tất cả tá hỏa hết cả lên, mới sáng sớm cửa viện Việt Xô đã bị bủa vây bởi không biết bao nhiêu là người của nhà mình. Trước cửa phòng hồi sức cấp cứu đặc kín dân anh chị đứng bủa vây canh chừng, mình tới muộn không chen chân được vào buộc phải đứng từ xa cách bố một vòng tròn bủa vây toàn người là người và chấp nhận nghe nói chuyện thay vì nhìn thấy bố:
- Đã ai báo công an chưa? - Tiếng bố điềm tĩnh hỏi.
- Bọn con chưa vẫn đợi ý kiến của bố. - Nếu không nhầm là giọng ông Hoàng.
- Đừng làm gì hết, chúng nó rất tỉnh đấy, biết chọn chỗ, nếu động tới công an lúc này khác gì tự đóng cửa bar lại. Việc này chỉ riêng nhà mình biết và hiểu thế là được rồi.
- Bọn con xin vâng lời bố.
- Việc tối nay vẫn cứ y án, bọn Mỹ Đình vẫn tới chỗ hẹn đúng như đã định. Chưa biết vụ này có liên quan gì tới chúng nó không, sợ là có đứa mượn dao giết người đổ thêm dầu vào lửa.
- Bọn con hiểu ạ.
- Tay chân bố thế này, sợ là tối nay không đi cùng các con được. Đạn vào phần mềm thôi không ảnh hưởng tới xương nhưng... - Ngừng một lúc ông lắc đầu. - Thôi thì con là lớn, bố trông cậy hết vào con, Hoàng ạ.
- Bố cứ yên tâm tĩnh dưỡng, con tùy cơ ứng biến nhất định không để anh em xảy ra chuyện gì.
- Cũng đừng có gây chú ý quá để công an họ nhòm tới, chứ sợ nhiều thằng ong ve, hùng hùng hổ hổ xách dao đi nói chuyện chưa đâu vào đâu đã bị bắt vì không đội mũ với vượt đèn đỏ rồi thì chẳng ra làm sao. Bố không muốn vì những lí do vớ vẩn như thế mà ảnh hưởng tới công việc, nhắc chúng nó chú ý.
- Vâng ạ.
Đúng 7h tối, mình và bốn thằng nhân viên vẫn làm việc cho nhà nhảy lên xe taxi 7 chỗ phi thẳng về hướng cầu Thăng Long hướng đi về Đông Anh. Tay mỗi thằng đều xách một bọc to to dài dài, riêng của mình là một chiếc túi đựng vợt tennis nặng chịch, chốc chốc mình lại nắn nắn miệng túi nơi có một họng sắt đen ngòm và lạnh ngắt đang nhô lên, có thứ "bùa hộ mệnh" này cảm giác yên tâm và bình an hơn hẳn. Xe qua được cầu Thăng Long bình an vô sự, tới đây mình mới có thể thở phào nhẹ nhõm, ít nhất đã qua được tất cả các chốt giao thông, xe vẫn lầm lì tiến về phía khu công nghiệp gần đấy. Tới gần một bãi đất trống mình ra hiệu cho taxi dừng lại, tất cả xuống xe đi bộ về phía đám người đứng đằng xa, phần lớn đều đi ô tô riêng đỗ ở lề đường, có khoảng chục con tất cả. Qua những bóng đen lờ mờ trong xe, mình đoán có lẽ những người đứng ở đây chỉ là đại diện mà thôi. Ông Hoàng gật đầu ra ý chào mình. Mình lễ phép chào tất cả mọi người vì dù gì, ở đây mình là ít tuổi nhất. Dưới chân ông ấy là thằng đã cả gan xông vào nhà mình buổi sáng hôm trước bị trói chặt như lợn và nằm co quắp dưới đất như một con súc vật. Khinh bỉ mình nhổ một bãi nước bọt vào mặt nó, nếu không phải vì hôm nay có quá đông người ở đây, mình nhất định phải sút cho nó thêm vài phát nữa.
Độ 15 phút sau, tiếng xe máy huyên náo, rền rĩ cả môt quãng đường đang ào ào lao đến. Quả nhiên là thanh niên thôn, cách xuất hiện cũng ồn ào không khác gì đám cưới làng. Đèn pha dọi sáng cả vào đám bên mình chói lòa cả mắt. Một con Mink xình xịch tiến lại gần dựng chân chống đến xịch một cái, bọn nó còn chả thèm lịch sự dựng xa ra lấy chỗ nói chuyện. Thằng sếp của ông Tam nhà mình khệnh khạng bước xuống xe (có lẽ do mình cảm thấy thế), mình cũng liếc mắt để ý xem ông Tam ở chỗ nào, quả nhiên thấy ông ấy đang toe toét vẫy tay trên con Dream chiến mà nó hay cưỡi, mẹ kiếp, có gì hay ho mà vẫy với cả chào, sắp chém nhau tới nơi. Lão sếp cười hề hề và hỏi rất bố đời:
- Hàng đâu?
- Đây, chúng mày nhận lấy hàng nhà chúng mày đi.
Ông Hoàng đá thằng oắt đang nằm bất động dưới đất, hất hất chân về phía thắng sếp kia. Lão sếp cúi xuống thấp lấy tay nắm tóc xách đầu thằng oắt lên nhăn mặt nhìn tỏ vẻ khó hiểu rồi hỏi:
- Cái gì thế này? Các chú trêu anh sao?
- Trêu trêu cái con mẹ mày ý
Ông Hoàng rít lên rồi rút nhanh một con phớ dài tầm 40 phân giấu sau lưng áo ra nhằm vào thằng sếp đối diện chém tới tấp, chỉ kịp nhìn thấy mặt lão thất thần rồi nằm gục trên vũng máu miệng không ngừng ngớp ngớp. Đám đàn em thấy vậy lập tức nhanh chóng, thằng bật cốp xe, thằng sờ lưng quần... Nhanh chóng tìm vũ khí phòng vệ, tiếng chúng nó chửi bới loạn xạ, báo động ầm ĩ:
- Bảo vệ anh hai...
- Giữ lấy tiền, gặp cướp rồi...
- Đâm chết chúng nó đi. Giết hết chúng nó, anh hai gục rồi, nhanh đưa anh hai lên xe.
Lập tức tất cả trở lên hỗn loạn trên xe ô tô của đám nhà mình, tất cả các cánh cửa đồng loạt bật mở, đám đệ của từng đại ca nhanh như chớp ầm ầm lao ra, tuýt nước, batol, dao... Sáng choang, vung chém loạn xạ trong không khí. Bãi đất hoang lập tức trở thành bãi chiến trường, chẳng biết đâu là mình đâu là ta, tất cả đang hỗn chiến một cách điên loạn và khát máu. Tiếng gậy vụt vù vù trong không khí, tiếng thét, tiếng gào man rợ, tiếng dùi cui đập thùm thụp, tiếng xương gãy, thậm chí một vài giọt máu không biết từ đâu bắn tung tóe lên cả mặt mình. Một tiếng súng bắn chỉ thiên từ phía bên đội Mỹ Đình. Tiếng nổ nhỏ nhoi yếu ớt ấy có lẽ chưa đủ sức thị uy vì ngay sau đó một ông ở bên nhà mình cầm thanh Kantana lao vào chém chỉ thiếu một phân nữa là đứt lìa bàn tay của thẳng vừa bắn súng, bàn tay lủng lẳng chỉ chực rơi xuống đất khiến chủ nhân nó phải rú lên như một con thú hoang rồi gục ngã gần như ngay lập tức.
Mình quá bàng hoàng với những gì đang xảy ra, quá nhanh, quá kinh khủng. Mình vội vàng sờ sờ cái túi mang theo lôi ra một khẩu AK báng gấp, giương lê lên rồi lạch cạch lên đạn và giơ lên trời bắn chỉ thiên... Tạch... Không có gì xảy ra hết... Mình hoảng hốt vội vàng tháo băng đạn ra... Đạn có... Rồi lại xem lại chốt... Đã mở chốt... Rồi lại vội vàng lên đạn lại lần nữa... Một viên đạn còn nguyên cả đầu văng ra... Rồi... Tạch... Vẫn không có chuyện gì xảy ra cả, đơn giản chỉ là một tiếng tạch khô khốc, êm và nhẹ... Cảm giác như kim hỏa không hoạt động hoặc đã bị ai đó lén tháo ra. Bỗng một bàn tay ai nắm chặt lấy vai mình:
- Kiên.
Quá hoảng hốt, bản năng của mình trỗi dậy, mình quay ngoắt người lại, sọc thẳng lưỡi lê trên đầu súng vào người nó, thấu bụng. Khi nhận ra cái đứa vừa bấu vai mình là ai, thì mình kinh hoàng tột độ. - Ông Tam, một tay ông ấy nắm chặt lưỡi lê, một tay vẫn giữ vai mình miệng lắp bắp không thành tiếng, dưới bụng máu lại úa ra còn nhiều hơn cả anh mình lúc bị đâm:
- Anh Tam... - Mình thét lên buông vội khẩu AK ra, máu ồng ộc chảy...
- Sao thế này? Chúng mày đi ăn cướp à?
- Cướp cái gì em không hiểu, để em đưa anh đi viện, nhanh lên. Lê nhà em rỉ rồi, uốn ván mất. - Mình nói như mếu máo, ai mà ngờ được mình lại đâm chính người nhà mình như thế này.
- Cướp hàng, hôm nay bọn tao mang tiền đến để nhận hàng. Lão Hải đâu? Thằng già ấy đâu? Hàng đâu?
- Hàng gì? Em không hiểu? - Mình càng ngỡ ngàng thêm.
- Hàng... Trắng... - Ông ấy cố rặn được thêm ra câu ấy rồi lịm đi.
Chưa kịp nói gì thêm bất ngờ một chiếc xe nhằm chỗ mình lao thẳng đến, mình chỉ kịp đứng bật thật nhanh dậy, vừa nhìn về phía đó và chói lòa mắt bởi ánh đèn pha, không kịp tránh không kịp kêu, con ô tô đâm thẳng vào người mình. Hình như lúc ấy mình có lấy hết sức bật lên mui xe một cái. Đầu đập vào kính và bị hất tung lên trên nóc ca bin sau đó rơi xuống đường, chân tay văng quật lung tung ê buốt, choáng váng rồi gần như cả cơ thể mất hết cảm giác dù lúc đó mình vẫn lờ mờ nhận thấy mọi sự sung quanh... Đây là cận kề cái chết? Mình sắp chết có phải không? Bên tai lúc đó văng vẳng tiếng còi cảnh sát và tiếng loa phóng thanh "Tất cả đã bị bao vây, yêu cầu hạ vũ khí đầu hàng"... Rồi mình rơi vào trạng thái vô thức không còn biết gì nữa...
BÌNH LUẬN VỀ TRUYỆN